Ngày trước, ý tưởng làm bánh mì Việt Nam tại nhà để dùng là rất hiếm. Đa phần chúng ta đều cho rằng khó có thể làm được một ổ bánh mì ngon như mua tại lò hay tại các xe bánh mì. Ngày nay rất khác, nguyên liệu rất sẵn, công thức lẫn mẹo hay rất nhiều. Những chia sẻ chi tiết rộng rãi có thể giúp bất cứ ai thích trổ tài hay thử tài nghệ làm bánh tại nhà đều có thể áp dụng thành công. Nếu bạn cũng yêu thích thử làm vài ổ bánh mì Việt Nam giòn ngon như các lò bánh mì chuyên nghiệp, bạn cũng có thể. Sau đây là 2 công thức cách làm rất dễ để bạn tham khảo. Hãy chuẩn bị nguyên liệu và thực hiện thử xem sao bạn nhé.
1. Bánh mì Việt Nam với công thức dùng trứng
Với các đầu bếp tại gia, đa phần hay chọn công thức làm bánh mì dùng trứng. Việc dùng trứng sẽ góp phần làm kết cấu của bột tốt, nở xốp, mềm và thơm. Bạn có thể thử công thức này, sẽ cho thành phẩm bánh mì Việt Nam vàng ngon, giòn ngoài mềm trong và rất thơm.
1.1. Nguyên liệu
- 500g bột mì làm bánh mì
- 1 trứng gà
- 260ml nước
- 8g men instant (khoảng 2/3 gói men instant 10g)
- 10g đường cát (khoảng 1 thìa canh vơi)
- 4g muối (khoảng 2/3 thìa cà phê)
- 25g bơ (để ở nhiệt độ phòng) hoặc dầu ăn (khoảng 1+3/4 thìa canh)
1.2. Cách làm bánh mì Việt Nam đơn giản
1.2.1. Trộn và nhồi bột làm bánh mì Việt Nam
- Cho bột mì vào tô, cho 2/3 thìa cà phê muối trộn đều. Để bột qua một bên.
- Trong một tô khác bạn cho 260ml nước, đường, men và trứng. Khuấy đều các nguyên liệu này.
- Cho bột vào trộn đều. Cho bơ vào nhồi đều bột. Nhồi đều bột khoảng vài phút, bạn để bột trong tô, dùng màng bọc thực phẩm bọc tô bột lại. Bạn để bột nghỉ khoảng 15 phút.
1.2.2. Ủ và nhồi bột lần 2, lần 3
- Sau 15 phút, bạn lấy bột ra mặt phẳng, nhồi bột 7-10 phút. Để bột trở lại tô, bọc lại, để bột nghỉ lần 2. Thời gian để bột nghỉ khoảng 15 phút.
- Sau 15 phút bạn lấy bột ra mặt phẳng, nhồi lần 3 khoảng 7-10 phút. Tiếp tục cho bột trở lại tô, bọc lại, để bột nghỉ lần 3. Lần này bạn để tô bột ở nơi ấm để bột nở gấp đôi. Thời gian nở tùy thuộc vào nhiệt độ nơi bạn đặt để bột, có thể khoảng 30 phút hơn.
- Khi thấy bột nở gấp đôi, bạn mở bọc ra, ấn cho bột xẹp bớt bọt khí. Lấy bột ra mặt phẳng, chia bột thành 8 phần bằng nhau. Vo các phần bột tròn lại. Dùng màng bọc thực phẩm hoặc khăn xô đậy cho bột nghỉ khoảng 10 phút.
1.2.3. Tạo hình cho bánh
- Sau khoảng 10 phút, bạn lấy khay nướng bánh lót dấy chống dính hoặc quết một lớp dầu ăn hay rắc một lớp bột khô lên khay.
- Bạn lấy viên bột ra, để lên mặt phẳng sạch. Dùng cán bột cán dẹt miếng bột theo chiều dọc và sao cho hơi thon 1 đầu. Tiến hành cuộn bột từ đầu kia của miếng bột lại phía bột thon. Vừa cuộn bạn vừa ấn bột lại. Khi cách phần mép đầu nhọn khoảng 5-7cm bạn không ấn bột mà chỉ cuộn lại. Bóp kín mép bột. Lăn miếng bột, vừa lăn vừa vê hai đầu bột để tạo độ thon cho hai đầu ổ bánh. Khi vê xong, bạn để bột đã tạo hình lên khay, sao cho mặt mép bột ở dưới. Tiếp tục thao tác tạo hình như trên cho các viên bột còn lại.
1.2.4. Ủ bánh trước khi nướng
- Sau khi tạo hình cho bánh xong bạn dùng cọ hay bình xịt, quết nhẹ nước hay xịt nhẹ nước như sương lên bánh để không bị khô bột. Cho khay bánh đặt ở nơi ấm khoảng 25-30 phút cho bánh nở lại. Hoặc bạn đặt khay bánh trong lò nướng nhưng không bật lò. Để ở dưới khay một ca nước nóng để bột nở. Bạn đóng cửa lò nhé.
- Sau 25-30 phút ủ hoặc khi thấy bột bánh phồng căng, bạn chuẩn bị nướng bánh. Lấy khay bánh ra khỏi nơi đã ủ.
- Bật lò cho nóng ở nhiệt độ 250 độ C. Để nóng khoảng 10-15 phút trước khi bỏ bánh vào nướng.
- Trong thời gian đợi lò nóng bạn xịt hoặc dùng cọ quết lớp nước nhẹ lên mặt bánh. Dùng dao thật bén hoặc dao lam nhúng nước cho ướt dao. Rạch một đường nông dứt khoát dọc theo ổ bánh, vị trí để rạch nằm khoảng 2/3 mặt bánh. Rạch lại theo đường này cho rãnh sâu hơn. Xịt hoặc quết nước lên mặt bánh kể cả vết cắt.
1.2.5. Nướng bánh
- Cho bánh vào lò, xịt hoặc quết nước lên bánh. Nướng bánh được khoảng 2-3 phút, bạn quan sát thấy mặt bánh hơi se thì bạn xịt hoặc quết nước để bánh nở căng nhưng không quá khô mặt.
- Sau 2-3 phút bạn tiếp tục xịt hoặc quết nước lần 2.
- Sau 2-3 phút lại lặp lại bước trên lần 3 để bánh nở hết cỡ, khô vỏ. Lúc này bạn không xịt nước nữa mà để bánh vàng giòn. Bạn có thể trở đầu khay bánh để bánh nướng vàng đều hơn.
- Kể từ sau quết hay xịt nước lần 3 khoảng 10 phút, bạn quan sát bánh. Bánh vàng đều như ý, bạn có thể tắt lò. Mở cửa lò, vẫn để bánh trong lò ít giây rồi lấy bánh ra khỏi lò. Thời gian nướng bánh tổng cộng ở khoảng 18-20 phút tùy độ nóng lò nướng nhà bạn.
- Bánh bớt nóng là có thể thưởng thức. Bánh mì vàng thơm, giòn ngon cực hấp dẫn không kém bánh mì của các lò nướng chuyên nghiệp. Bạn thấy đấy, cách làm bánh mì tại nhà thực sự không phải là thử thách quá lớn phải không nào. Nhất là, nếu bạn yêu thích làm bánh nướng thì thực hiện công thức cách làm bánh mì này rất dễ thành công.
2. Bánh mì Việt Nam giòn ngon với công thức không dùng trứng
Công thức bánh mì Việt Nam truyền thống không dùng trứng. Nên, nếu đã thành công với công thức dùng trứng được cho là dễ thành công hơn, nhất định bạn nên thử công thức bình thường không dùng trứng nhé. Với công thức này, bạn cũng không cần phải có máy trộn bột mới làm được. Chỉ cần nhào bột thủ công đủ độ kiên nhẫn, ủ bột tốt và nướng khéo là có được những ổ bánh rất ngon.
2.1. Nguyên liệu
- 200g bột mì làm bánh mì hoặc bột mì đa dụng đều được
- 140ml nước
- 2g đường cát (khoảng 1/3 thìa canh)
- 2g muối (khoảng 1/3 thìa cà phê)
- 3g men instant (non 1/3 gói men instant 10g)
- 1 thìa cà phê bơ thực vật hoặc bơ lạt đều được (tùy chọn)
- Dầu ăn
2.2. Cách làm
2.2.1. Trộn, nhồi và ủ bột
- Bạn cho bột vào tô, cho muối vào một góc tô bột trộn đều góc này trước. Ở một góc khác của tô bột, bạn cho men trộn đều góc bột thêm men. Phần đường cho vào tô bột, bạn cũng cho như thế. Sau đó, bạn trộn đều bột lên lần nữa.
- Đổ 140ml nước vào tô bột, trộn cho đều rồi nhồi bột. Trong quá trình nhồi bột, bạn có thể dùng dầu ăn bôi vào tay, mặt phẳng nhồi bột để không bị dính tay.
- Thời gian nhồi bột tiến hành khoảng 20 phút. Hoặc bạn nhồi cho đến khi bạn thấy bột mịn, có độ dai khi kéo ra tạo màng mà không rách là đã đạt.
- Bạn quết dầu ăn hoặc rắc bột khô vào tô, cho bột đã nhồi vào. Bọc tô bột bằng màng bọc thực phẩm hoặc khăn sạch. Ủ bột 4-5 tiếng ở nơi ấm. Hoặc khi thấy bột nở gấp đôi là được.
2.2.2. Tạo hình và ủ bánh
- Bột sau khi nở gấp đôi bạn chia bột ra làm 3 phần, vo tròn.
- Cho viên bột ra mặt phẳng đã có thoa dầu hoặc bột khô. Bạn ấn dẹt viên bột và dùng cây cán bột cán bột mỏng theo chiều dọc.
- Cuộn bột lại, vừa cuộn vừa ấn. Vê hai đầu bột để có bánh thon hai đầu.
- Tạo hình xong bạn cho bánh lên khay có lót giấy thấm dầu. Cho khay bánh vào lò. Bạn đặt dưới khay một tô hoặc một ca nước nóng để hơi nước cấp đủ ẩm cho bột nở nhưng không bị khô. Đóng cửa lò, ủ khoảng 50-60 phút cho bột nở trở lại, bánh căng là được.
- Bánh đã nở căng bạn lấy ra khỏi lò đặt nơi ẩm. Bạn bật lò nướng ở 230-250 độ C tùy độ nóng lò của bạn. Để nóng khoảng 12-15 phút trước khi nướng bánh.
2.2.3. Nướng bánh
- Khoảng 7 phút trước khi nướng bánh, bạn dùng dao bén hoặc dao lam nhúng nước, rạch một đường dọc theo bánh. Hoặc, bạn có thể rạch 3 đường xéo trên mặt bánh tùy ý. Bạn rạch lại trên vết cắt trước để có đường rãnh sâu hơn. Đường rãnh sâu này giúp bánh bung nở tốt hơn.
- Sau khi rạch, bạn phun nước hoặc quết nước lên mặt bánh. Cho bánh vào lò nướng. Đặt khay nước nóng dưới khay bánh để cấp ẩm khi nướng.
- Sau khi nướng được khoảng 7-8 phút bạn phun sương hoặc quết nước lên mặt bánh rồi đóng cửa lò.
5-7 phút sau đó bạn lại phun sương hoặc quết nước lên mặt bánh lần nữa. Tiếp tục nướng bánh thêm 5-7 phút. Bánh vàng giòn là bạn tắt lò, bánh đã nướng xong. Thời gian nướng tổng cộng khoảng 18-20 phút từ khi bỏ bánh vào lò. Lấy bánh ra khỏi lò, dùng nóng bạn sẽ thấy ngon không kém bánh mua từ lò bánh mì chuyên nghiệp.
Bạn vừa cùng List.com.vn xem qua 2 công thức làm bánh mì Việt Nam đơn giản. Với 2 cách làm rất chi tiết này, chắc chắn bạn thực hiện sẽ thành công. Cùng bắt tay làm thử cho nhà mình thử ngay bạn nhé.
Hằng Lâm