1. Bệnh viêm xoang là gì?
Bệnh viêm xoang là tình trạng niêm mạc xoang bị viêm nhiễm, mất đi khả năng hoạt động bình thường. Những tổn thương lâu ngày không được điều trị dẫn đến ứ đọng dịch nhầy. Chất dịch này bám vào thành và gây ra hiện tượng đầy ứ, hẹp và tắc lỗ thông xoang, dẫn đến viêm nhiễm tạo mủ.
Phân loại bệnh theo vị trí:
- Viêm xoang trán: Người bệnh bị đau, cảm thấy có áp lực ở phần giữa trán, phía cao trên mũi và hai mắt.
- Viêm xoang sàng: Người bệnh cảm thấy đau, có áp lực ở sâu trong đầu, phía sau hai hốc mắt chỗ gần gáy.
- Viêm xoang hàm: Đau và có áp lực ở xương hàm, đau răng, đau đầu.
- Viêm xoang bướm: Đau và có áp lực lên hai mắt, vùng đỉnh đầu.
Phân loại bệnh theo thời gian bệnh:
- Viêm xoang cấp: Có các triệu chứng giống cảm lạnh như: Sổ mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, đau nhức vùng mặt… Các triệu chứng này xuất hiện đột ngột và không biến mất sau 10 – 14 ngày. Tuy nhiên nó cũng không diễn ra quá 4 tuần.
- Viêm xoang bán cấp: Bệnh có thời gian mắc bệnh kéo dài từ 4 – 8 tuần.
- Viêm xoang mãn tính: Bệnh có các triệu chứng tồn tại >8 tuần.
- Viêm xoang tái phát: Bệnh tái phát nhiều đợt trong cùng 1 năm.
2. Nguyên nhân bệnh viêm xoang
Có thể do nhiều nguyên nhân gây ra bệnh, bạn cần lưu ý để phòng chống bệnh. Một số thủ phạm gây bệnh phổ biến như:
- Do môi trường xấu: Khi không khí bị ô nhiễm, bụi, khói bếp, thuốc lá, ao hồ dơ bẩn, hồ tắm không vệ sinh. Những môi trường này chứa nhiều vi khuẩn, vi khuẩn vào mũi gây viêm mũi sau đó trở thành viêm xoang…
- Vệ sinh kém: Không năng rửa tay, rửa mặt, không vệ sinh cá nhân đầy đủ, vi khuẩn sẽ vào mũi, gây viêm mũi, sau đó viêm xoang.
- Vi khuẩn, nấm: Nguyên nhân do vi khuẩn, nấm phát triển trong các xoang gây nên tình trạng viêm nhiễm, ứ đọng chất nhầy, cản trở luồng không khí lưu thông.
- Cơ địa dị ứng: Những người có thể trạng đặc biệt dễ bị dị ứng với một số chất, thường là hóa chất, thức ăn, lông chó mèo, phấn hoa… gây niêm mạc mũi phù nề, bít các lỗ xoang và cuối cùng là nhiễm trùng.
- Sức đề kháng kém: Cơ thể không đủ sức đề kháng chống lại vi khuẩn, suy giảm miễn dịch, suy yếu niêm mạc dường hô hấp, rối loạn hệ thần kinh thực vật.
- Bệnh lý đường hô hấp: Do tuyến nhầy niêm mạc xoang hoạt động quá mức, hệ thống lông chuyển các chất nhầy trong xoang ra ngoài hoạt động kém, viêm mũi dị ứng, …
- Nguyên nhân khác: Bệnh là hậu quả của sâu răng, nhiễm trùng hàm trên, chấn thương…
3. Triệu chứng viêm xoang
Thông thường, bệnh xuất hiện sau một đợt cảm cúm kéo dài hoặc viêm mũi dị ứng nặng. Dấu hiệu phổ biến nhất mà nhiều người gặp phải là đau nhức vùng trán hoặc đau nhức khu vực gò má. Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác như:
- Chảy dịch mũi: Dịch nhầy có thể chảy ra đường mũi hoặc chảy xuống họng. Dịch nhầy ở giai đoạn đầu của bệnh thường loãng, khi bệnh ở giai đoạn nặng, dịch đặc dần, có màu vàng hoặc xanh.
- Ngạt mũi: Xuất hiện các triệu chứng ngạt mũi, khó thở, khó ngửi. Nhiều trường hợp bệnh nặng người bệnh còn bị điếc mũi do các niêm mạc bị viêm nhiễm nặng, phù nền khiến mùi không tới được thần kinh khứu giác.
- Đau nhức vùng xoang: Đau nhức các vùng xương quanh xoang là triệu chứng điển hình của bệnh. Các cơn đau thường xuất hiện ở giữa hai lông mày, xung quanh cánh mũi, ở xương trán hoặc hai hốc mắt,…
- Chóng mặt, buồn nôn, cơ thể suy nhược: Đau đầu, chảy dịch mũi thường xuyên cũng khiến người bệnh cảm thấy chóng mặt, buồn nôn. Lâu ngày, tình trạng này có thể dẫn tới suy nhược cơ thể.
- Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp một số triệu chứng như: Hắt hơi nhiều, mờ mắt, sốt, đau đầu,…
4. Biến chứng của bệnh
Viêm xoang có thể dẫn đến hàng loạt biến chứng ở các cơ quan khác, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
4.1. Biến chứng ở mắt
- Viêm ổ mắt: Ổ mắt ở gần xoang và chỉ ngăn cách bằng lớp xương mỏng. Người bệnh khi bị viêm xoang thì rất dễ ảnh hưởng tới mắt. Viêm ổ mắt thường xuất hiện đột ngột. Người bệnh thường gặp các triệu chứng quen thuộc như: Sổ mũi, ngạt mũi, nhức đầu, sau đó thấy mi mắt bị sưng, nhãn cầu lồi ra phía ngoài và bị đau mắt.
- Áp xe mi mắt: Áp xe là một bọc mủ hình thành trong các mô của cơ thể. Áp xe mi mắt là một biến chứng nguy hiểm của viêm xoang. Mi mắt bị áp xe sẽ sưng to, nóng đỏ và đau. Túi mủ ở mi mắt vỡ ra sau khoảng 4, 5 ngày.
- Viêm túi lệ: Bệnh có thể dẫn đến hình thành ổ áp xe viêm túi lệ mãn tính.
- Viêm tấy ổ mắt: Ở tổ chức mỡ trong ổ mắt bị viêm xuất hiện mủ, gây đau nhói. Mắt bệnh nhân bị sưng, không chuyển động được. Tình trạng sưng viêm lan cả lên thái dương.
- Viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu: Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu. Khi viêm xoang cấp tính, thị lực giảm rất nhanh nhưng sẽ tự hồi phục sau vài tuần. Nếu bị
- Viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu: Viêm xoang mạn tính, người bệnh nhìn mọi vật sẽ mờ như có màn sương giăng trước mắt. Người bệnh nhạy cảm với ánh sáng, khó phân biệt rõ màu sắc.
4.2. Biến chứng ở sọ não
- Nhiễm trùng não: Nếu không được điều trị sẽ viêm nhiễm lan tỏa đến não hoặc các mô xung quanh não. Nếu nhiễm trùng lây lan đến các mô của não, người bệnh có nguy cơ bị co giật, tổn thương não hoặc thậm chí tử vong.
- Viêm màng não: Viêm màng não do vi khuẩn, thậm chí áp xe não sẽ gây mất thính giác, đột quỵ, khiến não bị tổn thương vĩnh viễn hoặc dẫn đến tử vong.
4.3. Biến chứng ở mạch máu
- Nếu mạch máu ở xương trán, xương sọ bị viêm tắc: Bệnh có khả năng lan ra các xương xung quanh như xương đỉnh, xương thái dương. Người bệnh thấy đau nhức và sưng tấy vùng xương trán, hình thành áp xe ở mũi.
- Khi viêm tắc tĩnh mạch hang, bệnh diễn tiến rất đột ngột. Bệnh nhân gặp các triệu chứng như sốt cao, rét run, nhức đầu, cổ gáy cứng đờ. Nhãn cầu bị lồi, không còn chuyển động linh hoạt nên khả năng nhìn bị hạn chế.
5. Viêm xoang có chữa được không?
Hiện nay, Tây y và Đông y đang có nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Mỗi biện pháp đều có ưu nhược điểm riêng. Vậy viêm xoang có chữa được không? Có thể khẳng định với người bệnh rằng: Có thể chữa khỏi được! Tuy nhiên còn tuỳ thuộc vào mức độ nặng nhẹ và cách chăm sóc sau khi điều trị của người bệnh.
- Nếu là viêm xoang cấp tính thông thường có thể điều trị khoảng 1 – 2 tuần là có thể khỏi.
- Đối với trường hợp viêm xoang mãn tính thì khá phức tạp, tuỳ theo mức độ nặng nhẹ mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị khác nhau.
- Nếu bệnh được phát hiện sớm thì dễ chữa, thời gian điều trị ngắn. Còn để đến khi bệnh kéo dài, dễ chuyển thành mãn tính thì thời gian điều trị dài hơn và khả năng chữa khỏi khó khăn hơn.
- Nếu người bệnh có sức khoẻ và hệ miễn dịch tốt thì quá trình điều trị dễ hơn, thời gian cũng ngắn. Còn nếu sức khoẻ yếu kém, hệ miễn dịch không tốt thì càng khó chữa và thời gian điều trị sẽ rất dài.
- Nếu người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ như chế độ ăn uống, thể dục, vệ sinh mũi họng sạch sẽ,.. thì bệnh sẽ nhanh chóng được hồi phục.
6. Chữa viêm xoang
6.1. Thuốc trị viêm xoang
Hãy cùng tham khảo những thuốc trị viêm xoang Tây y dưới đây, nó có thể điều trị hiệu quả nếu bạn sử dụng đúng cách và chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Thuốc kháng histamin như: Chlorpheniramin, promethazin, acrivastin, levocetirizine, loratadine… Các loại thuốc sẽ làm giảm ngứa và sổ mũi do dị ứng nhưng không có tác dụng chữa nghẹt mũi.
- Thuốc thông mũi, điều trị nghẹt mũi: Các dược chất thường dùng là phenylpropanolamin, pseudoephedrin. Thuốc khá hiệu quả trong việc làm thông mũi nhưng cũng có tác dụng phụ. Loại thuốc này dùng dưới dạng uống hay xịt, chỉ nên dùng trong vòng 7 ngày do hiện tượng nhờn thuốc tạo nên vòng bệnh lý luẩn quẩn (vicious circle) dẫn tới viêm mũi mạn tính.
- Thuốc súc rửa mũi: Dùng dung dịch nước muối loãng hoặc NaCl 0,9% cho vào lọ nhựa sạch (neti pot) rồi nhỏ vài giọt vào hốc mũi sau đó cúi xuống và xì sạch dịch mũi, thực hiện như vậy vài lần vào các buổi sáng, chiều, tối.
- Thủ thuật Proetz súc rửa xoang: Đây là cách rửa xoang, lấy mủ từ xoang ra bằng áp lực âm.
Ưu điểm: Các loại thuốc điều trị viêm xoang bằng tây y có thể cho hiệu quả đẩy lùi các triệu chứng bệnh nhanh chóng. Người bệnh có thể cảm thấy bệnh thuyên giảm và thoải mái ngay sau khi dùng.
Nhược điểm: Thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ đối với gan, thận, hệ thần kinh và hệ tiêu hóa. Nếu kết hợp thuốc không phù hợp có thể gây tương tác thuốc rất nguy hiểm.
6.2. Phẫu thuật chữa viêm xoang
Khi áp dụng các điều trị nội khoa bằng thuốc không có tác dụng, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật nội soi. Ngoài ra, những đối tượng sau cũng được chỉ định sử dụng phương pháp phẫu thuật:
- Viêm mũi xoang mãn tính.
- Polyp mũi to, phù nề.
- Tái phát từ 4 lần/ năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và sinh hoạt.
- Viêm xoang cấp tính có biến chứng.
6.3. Cách trị viêm xoang dân gian
- Gừng và hành: Đem giã 2 củ hành với 1 củ gừng nhỏ lấy nước cốt. Thoa nước cốt lên mũi để trong khoảng 30 phút rồi rửa lại bằng nước muối loãng. Thực hiện liên tục trong 2 tuần, mỗi ngày 2 lần.
- Mật ong và tỏi: Dùng tỏi giã nhuyễn lấy nước cốt rồi trộn cùng mật ong theo tỉ lệ bằng nhau. Thoa hỗn hợp vào niêm mạc mũi để khoảng 1 tiếng rồi rửa lại. Áp dụng 2 lần/ ngày trong 1 tuần.
- Xông hơi: Dùng các loại thảo dược như hương nhu, lá bưởi, lá bạc hà, cỏ giao, tía tô… đun cùng nước. Khi nước bốc hơi, đổ nước ra thau rồi trùm chăn lên đầu để xông. Thực hiện tại nhà khoảng 5 – 15 phút mỗi lần.
Ưu điểm: Có thể áp dụng điều trị ngay tại nhà với cách thực hiện đơn giản. Nguyên liệu quen thuộc, dễ kiếm và giúp tiết kiệm chi phí. Đồng thời cách trị bệnh này giúp giảm cơn xoang khó chịu, thông mũi và giảm tắc mũi hiệu quả.
Hạn chế: Cách chữa dân gian không phù hợp với người bị viêm xoang nặng hoặc viêm mãn tính. Phương pháp này không triệt để mà chỉ mang tính nhất thời.
7. Phòng ngừa bệnh
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hãy có chế độ dinh dưỡng, làm việc và nghỉ ngơi khoa học để bảo vệ bản thân có sức khỏe tốt và tránh những tác nhân xấu gây bệnh cho cơ thể nhé.
- Cần vệ sinh định kỳ các chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm,… Hạn chế sự tồn tại và sinh trưởng của một số ký sinh trùng.
- Vệ sinh răng miệng hàng ngày nhất là đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.
- Không ăn các loại thực phẩm mà xác định hoặc nghi ngờ gây viêm mũi dị ứng cho bản thân mình (tôm, cua, ốc…).
- Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với khói bụi (bụi trong nhà và bụi ngoài đường).
- Rửa mũi hằng ngày bằng nước muối sinh lý.
- Giữ ấm vùng cổ và mũi khi thời tiết trở lạnh.
- Tránh để điều hòa ở nhiệt độ quá thấp khi làm việc hoặc khi ngủ.
- Uống đủ lượng nước cơ thể cần mỗi ngày.
- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để bảo vệ đường thở.
- Vệ sinh môi trường ở sạch sẽ.
- Tránh sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt với người bệnh.
- Vận động cơ thể, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao sức đề kháng.
Viêm xoang là bệnh lý thường gặp ở nước ta vì có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Khi bị bệnh cấp tính cần phải được các bác sỹ Tai Mũi Họng khám và tư vấn điều trị hợp lý tránh để tiến triển thành bệnh viêm xoang mạn tính. Hy vọng Chuyên mục Sức khỏe đã cung cấp đầy đủ cho bạn về những thông tin cần thiết của căn bệnh này.
Tuyến Đinh tổng hợp