1. Túi đựng bình giữ nhiệt là gì

1.1. Túi đựng bình giữ nhiệt là gì

Túi đựng bình giữ nhiệt là loại túi có lớp giữ nhiệt, giúp duy trì nhiệt độ của bình đựng nước hoặc thực phẩm. Nhờ chức năng này, các loại nước uống hoặc đồ ăn cần dùng nóng hoặc lạnh đựng trong bình giữ nhiệt sẽ giữ được nhiệt độ trong một khoảng thời gian, tùy thuộc vào loại bình đựng.

Một chiếc túi đựng bình giữ nhiệt tốt sẽ giúp bạn luôn được thưởng thức món thức ăn, uống mình yêu thích ở nhiệt độ mong muốn.

Túi đựng bình giữ nhiệt và bình giữ nhiệt
Túi đựng bình giữ nhiệt tốt góp phần giữ nhiệt cho thức ăn thức uống được lâu hơn. Ảnh Pixabay & Misaki Sewing

1.2. Cấu tạo của túi đựng bình giữ nhiệt

Một chiếc túi đựng bình giữ nhiệt thường gồm 2 – 3 lớp vải, trong đó có một lớp vải đặc biệt giúp duy trì nhiệt độ của chiếc bình. Bạn có thể xem xét cấu tạo của một chiếc túi giữ nhiệt cơ bản, như vậy sẽ hình dung cách may nó dễ dàng hơn nhé.

Cấu tạo của túi đựng bình giữ nhiệt:

  • Lớp vải chính: là lớp vải ngoài cùng của túi đựng, thường được may bằng loại vải dày, có thể chống nước.
  • Lớp giữa: là lớp có khả năng giữ nhiệt cho túi đựng, thường là mút xốp PE, hoặc mút chống nóng sợi PEVA.
  • Lớp vải lót: là lớp vài trong cùng, thường được may bằng loại vải mỏng, chống thấm nước, để che đi lớp giữ nhiệt, bảo đảm tính thẩm mỹ cho chiếc túi đựng của bạn.

Khi may túi đựng cho bình giữ nhiệt, bạn có thể chọn loại vải với hoa văn theo sở thích và may túi theo kích thước chiếc bình của mình. Bạn cũng có thể tùy chọn may túi có 2 hoặc 3 lớp, có hoặc không lớp giữ nhiệt đều được.

Túi đựng bình giữ nhiệt 2 hoặc 3 lớp
Bạn có thể may túi đựng bình giữ nhiệt 2 hoặc 3 lớp. Ảnh Youtuber Sewingtimes

2. Cách may túi đựng bình giữ nhiệt bằng vải đơn giản

Để có một chiếc túi đựng xinh xắn, vừa kích thước chiếc bình nước giữ nhiệt của mình, bạn có thể tham khảo cách may túi đựng bình giữ nhiệt bằng vải đơn giản dưới đây. Bạn sẽ không tốn nhiều thời gian để hoàn thiện một chiếc túi vừa dễ thương, vừa chắc chắn để mang đi làm, đi học. Hãy cùng xem cách làm nhé:

2.1. Nguyên liệu để may túi đựng bình giữ nhiệt bằng vải

Bạn đo kích thước chiếc bình của mình và chọn ba loại vải để cắt và may ba lớp của chiếc túi như dưới đây.

Đo kích thước
Đo kích thước chiếc bình và đo cắt 3 loại vải. Ảnh Bảo Sew

2.1.1. Phần thân túi

  • 2 miếng vải trơn kích thước 19.5×14.75 cm, cắt 2 góc (ở chiều 19.5 cm), kích thước 4.25×4.25 cm (hai miếng vải số 1) + 2 miếng xốp PE hoặc vải MEX 19.5×14.75 cm (hai miếng xốp/ MEX số 1), cắt 2 góc (ở chiều 19.5 cm), kích thước 4.25×4.25 cm.
  • 2 miếng vải hoa kích thước 19.5×15.5 cm (hai miếng vải số 2) + 2 miếng xốp PE hoặc vải MEX kích thước 19.5×15.5 cm (hai miếng xốp/ MEX số 2)
  • 2 miếng vải trơn kích thước 19.5×25.75 cm, cắt 2 góc (ở chiều 19.5 cm), kích thước 4.25×4.25 cm (hai miếng vải số 3, làm lớp lót trong cùng)

2.1.2. Phần quai túi

Phần quai túi gồm một dải vải trơn cùng màu với thân túi, kích thước 4×55 cm.

2.2. Cách may túi đựng bình giữ nhiệt bằng vải

Chúng ta hãy cùng xem cách may chiếc túi đựng trên đơn giản như thế nào nhé:

Bước 1: Ủi vải Mex

Nếu bạn dùng vải Mex thì hãy là (ủi) phần vải này vào các lớp vải với kích thước tương ứng như phần nguyên liệu đã đề cập.

Ủi vải Mex
Nếu dùng vải Mex thì bạn hãy ủi phần vải này vào các lớp vải còn lại. Ảnh Bảo Sew

Bước 2: May nối vải trơn và vải hoa

May nối phần vải trơn và vải hoa đã là (ủi), chiều 19.5 cm vào nhau, phần góc cắt của vải trơn nằm phía đáy.

May nối phần vải trơn và vải hoa
May nối phần vải trơn và vải hoa. Ảnh Bảo Sew

Bước 3: Là rẽ các phần đường may

Là rẽ các phần đường may để tiến hành các bước may tiếp theo được dễ hơn.

Là rẽ đường may
Là rẽ đường may. Ảnh Bảo Sew

Bước 4: May nối phần hông thân và đáy

May nối hai phần hông thân và phần đáy lại với nhau, sau đó tiếp tục là rẽ đường may rồi may phần góc cắt ở đáy túi lại.

May nối phần hông thân và đáy
May nối phần hông thân và đáy. Ảnh Bảo Sew

Bước 5: May phần góc cắt ở đáy túi

May nối phần hông và đáy của hai miếng vải trơn số 3 lại với nhau. Bạn chừa khoảng 6 cm ở đoạn giữa một bên hông. Sau đó, bạn may phần góc cắt ở đáy túi lại.

May phần góc cắt ở đáy túi
May phần góc cắt ở đáy túi. Ảnh Bảo Sew

Bước 6: May phần miệng túi

Lộn lớp lót vừa may ra mặt phải sau đó lồng vào phần vải chính (hai lớp phải áp vào nhau). May kín phần miệng túi lại.

May miệng túi
May miệng túi. Ảnh Bảo Sew

Bước 7: May kín đoạn hở còn lại

Kéo lớp lót ra ngoài, rồi lộn tất cả thân túi, qua đoạn hở đã chừa lại ở phần hông của lớp lót ra mặt phải. Sau đó, bạn may kín đoạn hở đó lại.

May kín đoạn hở còn lại
May kín đoạn hở còn lại. Ảnh Bảo Sew

Bước 8: May chần miệng túi

Lồng phần lót trở vào trong thân túi. May chần một đường quanh miệng túi cho chắc chắn và đẹp hơn.

May chần miệng túi
May chần miệng túi. Ảnh Bảo Sew

Bước 9: May quai

May phần quai đeo như sau: Bạn gấp đôi đoạn vải quai đeo theo chiều dài, may một đường dọc theo chiều dài vải. Sau đó, bạn lộn phần quai ra mặt phải. Bạn có thể dùng ngón tay để lộn quai hoặc dùng kim băng cài vào một đầu quai. Kế đến, bạn luồn bên trong để lộn quai ra mặt phải.

May quai túi
May quai túi. Ảnh Bảo Sew

Bước 10: May quai vào thân túi

May quai vào phần thân túi. Đến đây, bạn đã hoàn thiện chiếc túi xinh xắn cho chiếc bình giữ nhiệt của mình rồi đấy.

May quai vào thân túi
May quai vào thân túi. Ảnh Bảo Sew

3. Một số lưu ý khi may túi đựng bình giữ nhiệt bằng vải

Điểm thú vị khi làm một chiếc túi đựng bình giữ nhiệt handmade như trên là bạn có thể chủ động lựa chọn loại vải theo sở thích. Từ vải trơn, vải hoa, sọc hay họa tiết, bạn có thể phối hợp với nhau để tạo nên một chiếc túi xinh xắn, đem lại cảm giác năng động dù đi chơi, đi học hay đi làm. Tuy vậy, bạn cũng cần lưu ý một số điểm như sau:

3.1. Đối với lớp vải bên ngoài

Bạn nên chọn loại vải dày và chống thấm nước để làm lớp ngoài cùng của túi. Chất liệu vải dày sẽ làm cho chiếc túi của bạn được cứng cáp và chắc chắn hơn. Khả năng chống thấm nước sẽ giúp túi hạn chế được việc bị bám bẩn.

3.2. Đối với lớp lót giữ nhiệt

Đối với lớp lót giữ nhiệt, các loại mút xốp PE hoặc mút chống nóng là loại chất liệu chuyên dụng để đảm bảo tính giữ nhiệt cho túi đựng. Tuy nhiên, bạn cũng có thể dùng vải Mex để làm lớp lót vì loại vải này thông dụng, dễ tìm mua hơn. Vải cũng bảo đảm được form dáng của túi đựng cũng như khả năng giữ nhiệt tương đối. Vì thông thường, các loại bình giữ nhiệt, ly giữ nhiệt hiện nay đều có khả năng giữ nhiệt khá tốt.

3.3. Phần quai của túi đựng

Bạn có thể may hai lớp vải để túi được chắc chắn và dùng được lâu bền hơn. Vì phần quai là phần chủ yếu sẽ chịu lực nặng từ trọng lượng của chiếc ly, bình đựng bên trong khi bạn treo hoặc xách túi đựng trên những đoạn đường cần di chuyển.

Cách may túi đựng bình giữ nhiệt bao gồm những thao tác khá đơn giản mà bạn hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà một cách dễ dàng. Việc may chiếc túi này không đòi hỏi kỹ năng may mặc quá khéo léo hay tỉ mỉ hoặc quá nhiều thời gian. Vì vậy, bạn hãy tự tin trang bị cho chiếc bình giữ nhiệt của mình một lớp áo xinh xắn để có cảm hứng hơn cho mỗi ngày đi học, đi làm nhé.

Hằng Lâm tổng hợp