Nhồi máu cơ tim đã cướp đi mạng sống của rất nhiều người. List.com.vn tin rằng mỗi người cần có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình. Cùng tìm hiểu về nhồi máu cơ tim và thực hiện lối sống lành mạnh để ngăn chặn căn bệnh này qua bài viết bên dưới.
1. Nhồi máu cơ tim là gì?
- Thuật ngữ nhồi máu cơ tim được sử dụng khi có bằng chứng hoại tử cơ tim và thiếu máu cục bộ cơ tim.
- Cấu tạo tim mạch có 2 nhánh động mạch vành lớn với vai trò cung cấp oxy cho cơ tim. Tim cần được cung cấp máu và dinh dưỡng liên tục. Khi một hoặc nhiều nhánh mạch vành bị tắc nghẽn. Lượng máu nuôi tim sẽ bị cắt đột ngột và làm chết các tế bào cơ tim. Tắc nghẽn xảy ra có thể do việc hình thành máu đông khi mảng xơ vữa cấu tạo bởi chất béo bị bong tróc. Tắc nghẽn sẽ làm cho một phần của tim bị thiếu oxy và dẫn đến thiếu máu cơ tim.
- Khi thiếu máu cơ tim kéo dài quá lâu sẽ khiến tình trạng mô tim bị chết và dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh về tim mạch.
2. Nguyên nhân nhồi máu cơ tim
2.1. Nguyên nhân phổ biến
Nguyên nhân phổ biến của nhồi máu cơ tim là xơ vữa động mạch. Mảng xơ vữa tích tụ dần theo thời gian và bám vào thành mạch máu gây nên tình trạng này. Thành phần cấu tạo thành bao gồm cholesterol, canxi, mảnh vỡ tế bào. Những yếu tố dẫn đến tắc nghẽn động mạch vành gồm:
- Tăng cholesterol: Ăn quá nhiều chất béo bão hòa có thể thúc đẩy hình thành mảnh xơ vữa động mạch vành. Chất béo bão hòa được có nhiều trong thịt và các sản phẩm từ sữa như bơ và phô mai. Những chất béo này làm tắc nghẽn động mạch bằng cách làm tăng lượng cholesterol xấu và làm giảm cholesterol tốt trong máu. Chất béo chuyển hóa được tạo ra bởi con người trong nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn. Loại chất béo này thường được ghi trên bao bì là chất béo đã được hydro hóa hoặc hydro hóa một phần.
- Tăng huyết áp: Huyết áp thường phụ thuộc vào từng lứa tuổi. Huyết áp càng cao thì nguy cơ mắc bệnh sẽ càng cao. Tăng huyết áp sẽ làm tổn thương động mạch và thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa.
- Nồng độ triglycerid cao: Triglycerid sẽ đi khắp cơ thể cho tới khi được dự trữ trong các tế bào mỡ. Tuy nhiên, một số triglycerid lại tồn đọng trong động mạch và thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa.
2.2. Các nguyên nhân khác
- Đái tháo đường: Lượng đường trong máu cao gây nên đái tháo đường. Tình trạng này làm tổn thương các mạch máu và dẫn đến bệnh mạch vành.
- Người béo phì: Người béo phì có nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim cao hơn người có cân nặng hợp lý. Béo phì thường dẫn đến các tình trạng khác làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol, tăng triglyceride…
- Hút thuốc lá: Làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành và các bệnh về tim mạch khác.
- Tuổi tác: Nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao sẽ tăng dần theo tuổi. Tuổi càng cao sẽ càng dễ bị bệnh. Đàn ông có nguy cơ cao mắc bệnh này sau 45 tuổi, phụ nữ sau 55 tuổi.
- Gia đình: Nguy cơ mắc bệnh sẽ đặc biệt cao nếu trong gia đình người bị nhồi máu cơ tim. Thành viên nam trước 55 tuổi hoặc thành viên nữ trước 65 tuổi.
- Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim như: Stress, ít vận động; dùng các thuốc không hợp pháp như cocaine và amphetamine; bệnh sử về tiền sản giật, tăng huyết áp thai kỳ.
3. Triệu chứng nhồi máu cơ tim
Hầu hết triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim rất mơ hồ. Từng người có thể gặp những triệu chứng khác nhau. Có người chỉ có cảm giác khó chịu ở ngực mà không thấy đau đớn. Số khác lại bị đau thắt ngực dữ dội.
- Đau thắt ngực – triệu chứng điển hình của bệnh nhồi máu cơ tim: Gây cảm giác đau đớn và khó chịu ở ngực trái hoặc giữa ngực. Cơn đau thường kéo dài một vài phút, sau đó biến mất và quay trở lại.
- Đau phần thân trên cơ thể: Người bệnh có thể bị đau phần thân trên của cơ thể vùng vai, cánh tay, lưng, cổ và hàm. Một số người bị đau tại khu vực này mà không hề thấy đau ở ngực.
- Đau bụng: Nhồi máu cơ tim có thể gây đau lan xuống vùng bụng. Người bệnh có cảm giác giống như bị ợ nóng do trào ngược dạ dày.
- Khó thở: Tình trạng khó thở thường xuất hiện trước đau thắt ngực hoặc khó chịu ở vùng ngực. Người bệnh có thể khó thở và gặp khó khăn khi hít thở sâu. Một số trường hợp nhồi máu cơ tim chỉ gây khó thở mà không gây đau ngực.
- Lo âu: Bỗng dưng lo lắng, hồi hộp, hoảng loạn vô cớ cũng có thể là một triệu chứng cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim mà người bệnh dễ dàng bỏ qua.
- Chóng mặt: Cơn chóng mặt đến bất ngờ làm đầu óc lâng lâng, quay cuồng. Người bệnh có thể ngã quỵ bất cứ lúc nào.
- Vã mồ hôi lạnh: Đôi khi nhồi máu cơ tim có thể khiến toát mồ hôi lạnh bất thường, đặc biệt là vùng đầu, mặt, cổ.
- Buồn nôn và ói mửa: Với một số người buồn nôn và ói mửa lại chính là triệu chứng của nhồi máu cơ tim.
4. Các biến chứng của bệnh nhồi máu cơ tim
4.1. Các biến chứng sớm của bệnh
- Rối loạn nhịp tim: Nhịp tim sẽ đập thất thường, thường sẽ bị các triệu chứng loạn tim như: Loạn nhịp trên thất bao gồm nhịp nhanh xoang, nhịp chậm xoang, nhịp nhanh kịch phát trên thất, rung nhĩ… Loạn nhịp thất như nhịp nhanh thất, rung thất… Nhịp tim thất thường có thể khiến tim ngừng đập bất kỳ lúc này.
- Các bloc nhĩ thất: Biến chứng này được chia thành 3 mức độ khác nhau với cấp độ 3 là bloc tim hoàn toàn, nhịp tim rất chậm kiểu nhịp thoát thất. Biến chứng này rất nguy hiểm vì chúng xảy ra rất đột ngột và có khả năng gây tử vong cao.
- Đột tử: Đây chính là biến chứng nặng nề nhất, biến chứng này thường xảy ra do vỡ tim. Nguyên nhân có thể do rối loạn nhịp tim, sốc do tim, thuyên tắc phổi khối lớn, thuyên tắc mạch vành ngay ở đoạn thân chung động mạch vành trái.
- Biến chứng suy bơm: Mức nặng nhất của biến chứng suy bơm là “sốc do tim”. Nếu huyết áp dưới 90mmHg, người bệnh sẽ bị thiểu niệu, vô niệu, rối loạn ý thức, đầu chi nhợt, lạnh ẩm, toan huyết. Đôi khi sẽ biểu hiện bằng thở chu kỳ thở từng đợt ngắt quãng.
- Các biến chứng cơ học: Các biến chứng cơ học bao gồm vỡ thành tự do của tâm thất, thủng vách liên thất, phình thành thất và hở van hai lá. Các biến chứng này thường xảy ra trong tuần đầu tiên sau khi người bệnh bị nhồi máu cơ tim.
4.2. Các biến chứng muộn của nhồi máu cơ tim
Biến chứng huyết khối, thuyên tắc
Điều khiến các biến chứng này vô cùng nguy hiểm có khả năng gây nguy cơ tái phát nhồi máu cơ tim cao. Có thể dẫn đến hoại tử lan rộng hoặc thêm hoại tử cơ tim mới thuyên tắc đại tuần hoàn. Tình trạng sẽ càng tồi tệ hơn nếu người bệnh nằm quá lâu hoặc uống quá nhiều thuốc lợi tiểu.
Hội chứng Dressler xảy ra muộn (thường rơi vào tuần thứ 3 đến tuần thứ 10). Thường gọi là hội chứng sau nhồi máu cơ tim, hội chứng sau tổn thương tim và hội chứng sau phẫu thuật màng ngoài tim.
- Sốt, đau ngực khi hít vào sâu.
- Tăng bạch cầu.
- Phình thất.
- Đau thắt ngực.
- Suy tim.
- Viêm quanh khớp vai.
5. Phương pháp điều trị nhồi máu cơ tim
5.1. Điều trị nội khoa
- Thở oxy: Đặt sonde mũi cho bệnh nhân thở oxy 4 – 6 lít/ phút.
- Thuốc giảm đau: Thuốc giãn mạch vành Nitrat tác dụng nhanh như Nitroglycerin. Cho bệnh nhân ngậm dưới lưỡi.
- Thuốc tiêu sợi huyết: Thuốc có thể nhanh chóng giải phóng sự bít tắc trong lòng mạch cho những bệnh nhân nhồi máu cơ tim chưa có chỉ định can thiệp mạch vành.
- Thuốc chống ngưng kết tiểu cầu: Để hạn chế trở ngại lưu thông máu ở động mạch vành cần giảm sự kết dính của các tế bào máu vào mảng xơ vữa.
- Thuốc chẹn beta giao cảm: Làm giảm sức co bóp cơ tim và nhịp tim. Từ đó làm giảm khả năng tiêu thụ oxy và giảm kích thước vùng tổn thương.
- Thuốc ức chế men chuyển: Làm giảm chỉ số huyết áp, gánh nặng và stress cho tim.
Chống chỉ định của phương pháp tiêu sợi huyết:
- Bệnh nhân có sang thương chảy máu.
- Bệnh nhân mới trải qua phẫu thuật hoặc bị xuất huyết nặng.
- Bệnh nhân mắc các bệnh lý có nguy cơ bị chảy máu như: Loét dạ dày tá tràng, tăng huyết áp,..
5.2. Điều trị ngoại khoa
- Đặt stent mạch vành PCI: Đây là phương pháp điều trị phổ biến. Đặt stent mạch vành PCI giúp phục hồi tưới máu động mạch vành. Tuổi thọ stent mạch vành PCI từ 2 năm đến vĩnh viễn tùy theo loại stent được áp dụng.
- Mổ bắc cầu CABG: Mổ bắc cầu CABG nối động mạch chủ đến động mạch vành sau chỗ hẹp. Phương pháp điều trị này giúp cung cấp máu đã oxy hóa đến cho khu vực cơ tim đang bị thiếu máu và đảm bảo lưu lượng máu nuôi tim. Giúp cải thiện triệu chứng, giảm nhu cầu dùng thuốc và kéo dài tuổi thọ bệnh nhân.
6. Phòng ngừa bệnh nhồi máu cơ tim
- Hạn chế ăn uống các đồ ngọt, dầu mỡ, nhiều chất béo, hạn chế ăn mặn.
- Ăn bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin đặc biệt là vitamin C. Ăn nhiều các loại rau, ngũ cốc, các loại hạt.
- Bỏ rượu bia thuốc lá, cà phê và các chất kích thích.
- Tránh để cơ thể bị căng thẳng stress, sắp xếp chế độ nghỉ ngơi và làm việc hợp lý. Tránh các hoạt động sử dụng nhiều sức trong thời gian điều trị.
- Tập luyện thể dục điều đặn mỗi ngày để rèn luyện sức khỏe.
- Cung cấp cho cơ thể đủ lượng nước mỗi ngày.
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
- Giữ cân nặng ở mức độ thích hợp.
- Ngủ đủ giấc để có sức khỏe tốt nhất và phòng ngừa các bệnh về tim mạch.
7. Người bị nhồi máu cơ tim nên ăn gì?
7.1. Thực phẩm nên ăn
- Các loại rau có màu xanh đậm: Các loại rau này giàu vitamin K và nitrat. Giúp người bệnh giảm huyết áp và cải thiện chức năng của hệ mạch máu.
- Ngũ cốc nguyên hạt: Cung cấp nguồn chất xơ dồi dào. Giúp giảm cholesterol xấu, ổn định huyết áp tâm thu.
- Các loại quả mọng: Bổ sung chất chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể, chống lại các tác nhân gây stress và viêm.
- Trái bơ: Bơ giúp giảm cholesterol, huyết áp và ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa. Ngăn ngừa bệnh đái tháo đường.
- Cá béo và dầu cá: Bổ sung lượng lớn axit béo omega – 3. Giúp ngăn ngừa các biến cố tim mạch như tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.
- Quả óc chó: Giúp ngăn ngừa các vấn đề về tiêu hóa, giảm cholesterol và triglycerid.
- Chocolate đen: Giàu flavonoid là chất chống oxy hóa quan trọng ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành.
- Cà chua: Giúp giảm nguy cơ tim mạch và hỗ trợ ngăn ngừa ung thư.
- Quả hạnh nhân: Giàu chất xơ và omega – 3, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, chống viêm, ổn định huyết áp, giảm cholesterol và triglycerid.
- Tỏi: Giúp giảm hình thành máu đông, ngăn ngừa đột quỵ.
- Dầu oliu: Với 2 muỗng dầu oliu mỗi ngày sẽ giúp bạn giảm được nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
- Đậu nành: Bổ sung dồi dào isoflavone. Giúp giảm cholesterol xấu và cải thiện tốt sức khỏe tim mạch.
- Trà xanh: Giàu polyphenol và catechin, giúp giảm cholesterol, triglycerid giúp ổn định huyết áp.
7.2. Thực phẩm cần tránh
- Hạn chế cholesterol: Hạn chế ăn thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa có hàm lượng chất béo cao vì đây là thực phẩm chứa nhiều cholesterol.
- Hạn chế dùng muối: Chế độ ăn mặn, dùng quá nhiều muối có hại đối với sức khỏe tim mạch và huyết áp. Thay vì dùng muối nên sử dụng các loại thảo mộc, gia vị tự nhiên để tạo hương vị cho món ăn.
- Không ăn đồ ngọt như: Bánh ngọt, kẹo, kem,..
- Không sử dụng rượu, bia, cà phê, không uống các loại nước ngọt ngoài thị trường.
- Hạn chế ăn thức ăn dầu mỡ, nhiều chất béo.
- Không ăn thức ăn nhanh và đồ đóng hộp.
- Không ăn sốt Mayonnaise, sốt cà chua và các loại nước sốt đóng gói sẵn.
Nắm vững các thông tin về bệnh nhồi máu cơ tim giúp mỗi người trong chúng ta ngăn ngừa về bảo vệ sức khỏe tránh khỏi căn bệnh này. Hãy chia sẻ bài viết đến những người xung quanh như một cách giúp họ có lối sống lành mạnh hơn và tránh xa căn bệnh này nhé. Chúc bạn sẽ luôn có một sức khỏe thật tốt để học tập và làm việc nhé.
Thanh Thuận tổng hợp