Sống xanh đang là chủ đề hot hiện nay. Thiên nhiên đang gào thét với những “nỗi đau” do con người gây ra. Thế giới đang hư hao, môi trường đang bị hủy hoại. Và bạn đang làm gì trước “nỗi đau” chung này. Cùng thúc đẩy cho tiến trình đưa thế giới xuống vực thẳm nhanh hơn? Hay là đang muốn giải cứu thế giới cùng với chúng tôi? Nếu chúng ta cùng hội cùng thuyền thì hãy cùng List.com.vn chia sẻ với nhau câu chuyện sống xanh nhé.

Sống xanh là gì bạn đã biết chưa?
Sống xanh là gì bạn đã biết chưa? Ảnh Internet

1. Sống xanh là gì?

  • Sống xanh không phải là điều gì đó cao xa, to lớn. Sống xanh đơn giản chỉ là thay đổi thói quen sống để tạo nên khác biệt cho cuộc sống. Khác biệt ở đây là gì? Đó chính sự giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tránh gây tác động xấu đến môi trường.
  • Trái Đất hiện nay đang ô nhiễm ở mức báo động. Mỗi chúng ta là một cá thể trên hành tinh này. Thế nhưng, chúng ta lại đang hủy hoại hành tinh sự sống này. Nếu chúng ta vẫn cứ mải mê trong “vui thú” này thì sớm hay muộn người thiện hại vẫn là chính chúng ta. Mà thật ra rằng, chúng ta đã, đang và sẽ còn chịu những “lằn roi” từ mẹ thiên nhiên.
  • Để khắc phục được tình trạng đó, chúng ta cần thay đổi lối sống của mình. Tích cực sống xanh để gìn giữ Trái Đất thân thương này. Chỉ cần 1 vài điều chỉnh nho nhỏ là bạn đã có thể tạo nên những khác biệt lớn rồi.

2. 7 phương cách để sống xanh

2.1. Tiết kiệm nước

Nước chiếm khoảng 70% bề mặt của Trái đất nhưng lượng nước sạch cho con người sử dụng chỉ chiếm 3%. Việc tiết kiệm nước là điều bạn cần thực hiện ngay từ bây giờ. Tình trạng cạn kiệt nguồn nước sạch đã không còn mới lạ. Thế nhưng bạn có đang lãng phí nước không? Nếu có thì hãy thay đổi một chút thử xem nhé.

Nước là rất cần thiết cho con người. Lãng phí nước là đang tự hủy hoại môi trường sống của mình
Nước là rất cần thiết cho con người. Lãng phí nước là đang tự hủy hoại môi trường sống của mình. Ảnh Internet

Thay thế lối sống xanh

  • Nếu khi đánh răng bạn có thói quen để vòi nước chảy thì bỏ nó ngay nhé. Tắt khi không sử dụng là một trong những lời khuyên cho ngày Trái Đất được mọi người và xã hội hưởng ứng.
  • Tối thiểu thời gian tắm. Đừng lãng phí nước bằng việc tắm quá lâu.
  • Nếu được, giặt quần áo bằng nước lạnh thay vì nước nóng. Sử dụng chu kỳ ngắn để giặt quần áo: Tận dụng tối đa chế độ Eco Eco Wash ở máy giặt hiện đại.
  • Thường xuyên kiểm tra các đường ống để đảm bảo rằng các nguồn nước của bạn không bị rò rỉ. Đừng xem thường những giọt nước rò rỉ mà bạn nghĩ bé tí đấy. Tích tiểu thành đại mà phải không? Điều này cũng giúp bạn tiết kiệm 1 khoảng khi không phải chi trả cho số nước lãng phí này.
  • Lắp đặt thiết bị sục khí trên tất cả các vòi của bạn. Máy sục khí là những bổ sung rẻ tiền vào cuối vòi giúp giảm lưu lượng nước trong khi cải thiện áp lực của dòng vòi.
  • Lắp đặt vòi hoa sen dòng chảy thấp. Nó hoạt động theo cách tương tự như vòi sục khí – sục khí vào dòng nước, cải thiện áp lực và tiết kiệm nhiều nước và năng lượng.
  • Chỉ đun sôi nhiều nước như nhu cầu của bạn.
Thường xuyên kiểm tra ống nước để tránh lãng phí nước do rò rỉ
Thường xuyên kiểm tra ống nước để tránh lãng phí nước do rò rỉ, Ảnh Internet

2.2. Thay đổi phương tiện di chuyển

  • Hãy để xe của bạn ở nhà nếu không quá vội vã và cấp bách. Nếu được, thay vì sử dụng xe riêng thì hãy sử dụng phương tiện nhiều nhất có thể. Điều này có ý nghĩa rất lớn đóng góp cho việc giảm hiệu ứng nhà kính, giảm ùn tắc giao thông. Không chỉ vậy, hành động này cũng sẽ hạn chế bạn phải tiếp xúc trực tiếp với không khí ô nhiễm cũng như căng thẳng khi lái xe.
  • Nếu có thể đối với những quãng đường không quá xa, bạn hãy sử dụng xe đạp hoặc đi bộ để giảm thiểu khí thải ra môi trường nhé. Đồng thời, hành động này cũng rất tốt cho sức khỏe của bạn.
  • Lái xe thật an toàn và đi với tốc độ vừa phải. Điều nay không chỉ giúp đảm bảo an toàn mà còn giúp bạn tiết kiệm xăng nữa đó.
  • Khi đứng dừng đèn đỏ, nếu thời gian chờ đợi trên 25 giây thì nhớ tắt máy. Việc làm này sẽ giúp làm giảm đáng kể lượng khí thải ra môi trường. Tuy chỉ là hành động nhỏ nhưng nhân với số lần ta dừng đèn đỏ thử xem. Hơn thế nữa nếu được nhân rộng ra nhiều người hơn thì vô cùng tuyệt vời. Lượng khí thải sẽ giảm xuống với 1 con số khổng lồ mà bạn không ngờ tới đó.
Đi bộ nhiều hơn để bảo vệ môi trường
Đi bộ nhiều hơn để bảo vệ môi trường. Ảnh Internet

2.3. Phân loại rác thải

  • Nghe có vẻ chẳng liên quan gì đúng không? Bạn có thắc mắc tại sao việc phân loại rác lại liên quan đến việc sống xanh của bạn không? Nó không vô lý đâu nhé. Việc phân loại rác sẽ giúp bạn dễ dàng trong việc tái chế. Bạn có thể tự tái chế nếu có thể. Hoặc khi các loại rác đã được phân loại sẽ giúp cho người thu gom rác dễ dàng đưa đến nơi xử lý phù hợp.
  • Việc tái chế sẽ giúp bạn tiết kiệm cho bản thân và xã hội một lượng lớn các nguồn tài nguyên. Đây là một trong những giải pháp bảo vệ môi trường thiết thực bạn có thể áp dụng ngay vào đời sống hằng ngày của mình.
Phân loại rác là thói quen quen thuộc của những người sống xanh
Phân loại rác là thói quen quen thuộc của những người sống xanh. Ảnh Internet

2.4. Tiết kiệm năng lượng

Một trong những cách sống xanh hiệu quả đó chính là cắt giảm nguồn năng lượng trong nhà. Để cho ngôi nhà bạn xanh hơn, tiết kiệm năng lượng mang lại lợi ích thực sự. Mặc dù, kỹ thuật tiết kiệm năng lượng đòi hỏi chi phí tài chính ban đầu, tuy nhiên xét về lâu dài thì số tiền bạn tiết kiệm nó nhiều hơn rất nhiều. Dưới đây là một số cải tiến giúp tiết kiệm năng lượng.

Tiết kiệm năng lượng sẽ giúp cải thiện môi trường một cách đáng kể
Tiết kiệm năng lượng sẽ giúp cải thiện môi trường một cách đáng kể. Ảnh Internet

2.4.1. Sử dụng bóng đèn năng lượng thấp

  • Đèn huỳnh quang compact (CFL) tiết kiệm năng lượng và tiền bạc. Hiện nay, trên thị trường còn có loại đèn Led – Loại bóng đèn tiết kiệm năng lượng nhiều hơn cả CFL. Bạn có thể chọn mua những sản phẩm phù hợp và thân thiện nhất với môi trường.
  • Loại bóng đèn này, thông thường chúng chỉ sử dụng điện từ một phần ba đến một phần năm so với bóng đèn sợi đốt truyền thống.
  • Không chỉ vậy, những loại bóng đèn còn có tuổi thọ rất cao. Nó có thể gấp hơn tám đến mười lăm lần so với những loại bóng đèn truyền thống.
  • Nếu đang mua thiết bị mới cho gia đình thì hãy tìm mua những sản phẩm giúp tiết kiệm năng lượng bạn nhé.
    Ngoài ra, bạn cũng có thể tiết kiệm năng lượng bằng cách rã đông tủ lạnh thường xuyên.
Để tiết kiệm năng lượng bạn hãy thay thế từ những chiếc bóng đèn cũ kia
Để tiết kiệm năng lượng bạn hãy thay thế từ những chiếc bóng đèn cũ kia. Ảnh Internet

2.4.2. Tắt các thiết bị khi không sử dụng

  • Khi bạn rời khỏi các thiết bị điện như máy tính, thiết bị nghe nhìn (Tivi) và thiết bị nhà bếp chuyển sang chế độ chờ thay vì chế độ trực tiếp sử dụng điện. Nếu bạn không sử dụng các thiết bị này, bạn nên tắt chúng hoàn toàn.
  • Đặc biệt, chúng ta thường để tivi ở chế độ standby. Standby là chế độ tắt tivi nhưng còn ánh sáng đỏ. Điều này có thể gây ra tiêu tốn tới 80% lượng điện so với tivi để mở. Vì thế, khi không sử dụng, hãy tắt hẳn bằng công tắc trên màn hình chứ không phải chỉ tắt bằng điều khiển.
  • Rút phích cắm bộ sạc của bạn khi điện thoại, máy tính xách tay hoặc máy tính bảng của bạn khi được sạc đầy.
Luôn tắt khi không sử dụng. Hạn chế đến mức tối đa sự lãng phí
Luôn tắt khi không sử dụng. Hạn chế đến mức tối đa sự lãng phí. Ảnh Internet

2.4.3. Tiết kiệm năng lượng khi giặt quần áo

  • Đảm bảo rằng lồng máy giặt đã đầy. Nếu được hãy đợi đủ số lượng rồi hẳn giặt. Vì sử dụng máy giặt nhiều lần sẽ gây lãng phí nguồn năng lượng không cần thiết.
  • Giặt quần áo ở nhiệt độ thấp: Phần lớn năng lượng được sử dụng trong giặt là dành cho việc làm nóng nước, vì vậy luôn luôn chọn nhiệt độ thấp hơn khi có thể.
  • Tận dụng ánh nắng mặt trời để phơi quần áo: Quần áo sấy khô sử dụng một lượng điện lớn, vì vậy, nếu được hãy phơi khô quần áo bằng gió và nắng tự nhiên thay vì sấy khô bằng máy.
Thay vì sấy khô, hãy lựa chọn làm khô quần áo bằng việc phơi dưới ánh nắng mặt trời
Thay vì sấy khô, hãy lựa chọn làm khô quần áo bằng việc phơi dưới ánh nắng mặt trời. Ảnh Internet

2.4.4. Sống xanh khi nấu ăn

  • Đậy nắp chảo khi nấu: Bất cứ khi nào bạn nấu trên bếp, luôn cố gắng đậy nắp chảo – Điều này làm giảm lượng năng lượng thoát ra khỏi chảo mở, cộng với thời gian cần thiết để hâm nóng thức ăn và đun sôi nước.
  • Vặn kĩ bình gas khi không sử dụng: Để đảm bảo khí gas không thoát ra ngoài và đảm bảo an toàn cho gia đình.
  • Chọn mua các dụng cụ nấu nướng tốt, chất lượng: Để tiết kiệm thời gian nấu ăn cũng như tránh việc giải phóng những chất độc hại vào môi trường từ các dụng cụ khi bị làm nóng.
  • Ngoài ra, nếu được thì hãy chọn mua những đồ dùng được sản xuất từ thực vật thay vì nhựa nhé. Một gợi ý nhỏ nữa là bạn có thể thay nước tẩy rửa đắt tiền kia bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường như baking soda, muối, chanh, bột ngô, giấm,…
Đậy kín nắp nồi để thức ăn chín nhanh hơn và tiết kiệm được nhiên liệu
Đậy kín nắp nồi để thức ăn chín nhanh hơn và tiết kiệm được nhiên liệu. Ảnh Internet

2.5. Sống xanh với thực phẩm

Dân số thế giới tăng lên, nhu cầu về thực phẩm tăng lên và sự căng thẳng đối với hệ sinh thái và môi trường sống cũng đồng thời tăng lên. Các vấn đề xung quanh sản xuất, cung cấp và tiêu thụ thực phẩm là vô cùng phức tạp. Để có thể giúp giảm tác động môi trường từ những gì bạn ăn hãy thử với những cân nhắc sau:

  • Chọn sản phẩm địa phương, theo mùa. Việc này sẽ giúp giảm thiểu phần nhiều các ô nhiễm so với sản phẩm được vận chuyển từ nơi xa đến. Đồng thời, điều này cũng đồng nghĩa rằng bạn đang đánh giá cao các sản phẩm do địa phương bạn làm ra. Không chỉ vậy, điều này cũng góp phần giúp đỡ cho người dân nơi bạn.
  • Nếu bạn ăn thịt, hãy giảm số bữa ăn có thịt bạn ăn mỗi tuần. Giảm ăn thịt là một trong những biện pháp bảo vệ môi trường mà bạn có thể áp dụng. Vừa thân thiện với môi trường, vừa nâng cao sức khỏe.
  • Nếu bạn ăn cá, hãy chọn các loài có nguồn gốc bền vững và phương pháp đánh bắt. Hãy tránh ăn cá bị nhiễm thủy ngân (Kết quả của ô nhiễm công nghiệp).
  • Tránh những thực phẩm có bao bì không cần thiết. Bởi vì điều này đang góp phần thêm lên cho lượng rác thải. Vì thế, điều này không cần thiết và không nên tồn tại.
  • Luôn luôn tìm kiếm thực phẩm có tính bền vững và thân thiện với môi trường. Môi trường được bảo vệ, nền kinh tế được nâng cao là kết quả của hành động này.
Ăn rau vừa có lợi cho sức khỏe, vừa bảo vệ môi trường
Ăn rau vừa có lợi cho sức khỏe, vừa bảo vệ môi trường. Ảnh Internet

2.6. Trồng nhiều cây xanh

  • Cây xanh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Cây xanh giúp hấp thu CO2 và cung cấp lượng lớn O2. Quá trình này sẽ giúp cho bạn không gian thoải mái, thư giãn hơn.
  • Trồng nhiều cây xanh để cải thiện môi trường quanh ta. Cây xanh thật sự rất cần thiết cho cuộc sống của chúng ta. Nó không chỉ là chiếc máy lọc không khí tốt nhất mà còn là máy điều hòa tự nhiên trả lại cho bạn không gian thanh mát, trong lành.
  • Bạn cũng hãy làm riêng cho mình một khu vườn nhỏ nhé. Điều này sẽ giúp làm giảm thiểu đi gánh nặng cho môi trường rất nhiều. Nào là giảm ô nhiễm do quá trình vận chuyển, giảm ô nhiễm do sự hư hại, giảm ô nhiễm do chất bảo quản,…
  • Hoặc giả như không thể tạo ra khu vườn be bé đó, bạn phân vân về thời gian và không gian thì đừng lo. Bạn có thể trồng một vài thứ đơn giản như chậu thảo mộc hoặc bao tải khoai tây trên bậu cửa sổ là đủ rồi. Đây là biện pháp bảo vệ môi trường vừa làm đẹp lại vừa tiết kiệm.
Đã sống xanh thì phải trồng cây xanh
Đã sống xanh thì phải trồng cây xanh. Ảnh Internet

2.7. Chế phân bón cho cây cảnh trong nhà

  • Việc lãng phí thực phẩm và đồ uống chắc chẳng còn xa lạ gì đối với chúng ta. Có quá nhiều đồ ăn bị bỏ thừa lại và trở thành rác thải cho môi trường. Việc lãng phí lượng lớn đô ăn này đồng nghĩa với việc lãng phí một lượng lớn các nguồn năng lượng, tiền của để sản xuất ra số thực phẩm bỏ phí này.
  • Một ý tưởng cho lượng thực phẩm dư thừa này là biến chúng thành phân bón cho cây cảnh nhà bạn. Sử dụng những gì thực phẩm bạn làm lãng phí để tạo ra một đống phân ủ. Nếu bạn không thể làm điều đó nhưng cần phân trộn, thì hãy mua phân trộn không có than bùn. Phân hữu cơ đa năng thường được lấy từ các lớp than bùn tạo nên các đầm lầy ở vùng đất thấp, là môi trường sống hoang dã quan trọng.
Rau củ thừa biến hóa thành phân hữu cơ có ích cho cây trồng
Rau củ thừa biến hóa thành phân hữu cơ có ích cho cây trồng. Ảnh Internet

3. Những lối sống xanh thiết thực khác

  • Trời mưa rồi kìa. Mau mau đem xô và hứng những giọt nước mát lành từ thiên nhiên để rửa tay chân hay lau nhà mau nào.
  • Hãy cứu những con ong! Đúng, bạn không nghe lầm đâu. Bởi những chú ong này tuy chỉ bé tí ti thôi nhưng mang trên mình trọng trách cao cả. Chúng giúp ích trong việc thụ phấn cho hệ thực vật trên Trái Đất này. Thế nhưng, chúng đã bị tuyệt diệt dần bởi thuốc trừ sâu. Để có thể giúp đỡ “cộng đồng nhà ong” bạn có thể mua mật ong hữu cơ (giúp hỗ trợ thực hành nuôi ong tự nhiên) hoặc quyên góp cho các tổ chức từ thiện đang trực tiếp giúp đỡ những chú ong này.
  • Đừng mua nhựa và đừng đổ chúng: Tránh tối đa việc sử dụng túi nhựa. Đồng thời, tái chế khi có thể. Loại bỏ đi khái niệm nước đóng chai bạn nhé. Nước đóng chai đang là thủ phạm hàng đầu cho rác thải nhựa.
  • Giờ bạn phải xử lý một số dữ liệu, chỉ chừng nào chữ nhiều quá hoặc “số má” phức tạp quá, bạn hãy in nhé. Khi bắt buộc phải in, sẽ tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu nếu chọn chế độ in hai mặt.
  • Giảm độ sáng màn hình của máy tính và điện thoại của bạn đến mức thấp nhất mà bạn có thể thoải mái nhé. Đồng thời, chọn chế độ tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị của bạn.
  • Nếu được hãy sử dụng hóa đơn điện tử thay vì hóa đơn giấy. Đồng thời, xóa những thư rác không cần thiết.
Hãy tận dụng công nghệ để sử dụng hóa đơn điện tử thay vì hóa đơn giấy
Hãy tận dụng công nghệ để sử dụng hóa đơn điện tử thay vì hóa đơn giấy. Ảnh Internet

4. Tại sao lại khó thực hiện các hành động sống xanh?

4.1. Vấn đề đầu tiên của sống xanh là tiền

  • Chính xác, tiền chính là vấn đề đầu tiên. Tại sao ư? Rõ ràng quá mà. Các sản phẩm bảo vệ môi trường đa số đều có giá khá cao so với các sản phẩm khác.
  • Nếu trước kia bạn không phải tốn đồng nào cho ly và ống hút nhựa khi mua đồ uống thì bạn phải tốn 1 khoảng kha khá cho bình giữ nhiệt, ly inox, ống hút inox,… Tính sơ sơ thử xem nào, một con số kha khá ấy chứ.
  • Nhích thêm một tí, khi bạn muốn sử dụng xà phòng hữu cơ. Nếu bình thường bạn chỉ tốn khoảng mười mấy đến hai mươi mấy ngàn cho một bánh xà phòng thì giờ đây bạn phải chi trả đến hơn tám mươi mấy ngàn hoặc là hơn cho bánh xà phòng hữu cơ. Hơn tận 4 đến 5 lần luôn đó.
  • Tuy nhiên, giống như một cuộc đầu tư, bạn tốn vốn ban đầu nhưng lại được lợi về mặt lâu dài. Một lợi ích lớn lao mà tiền không thể mang lại được đó chính là lối sống lành mạnh, cơ thể khỏe khoắn, môi trường trong lành, sạch sẽ.
Xà phòng hữu cơ có giá cao hơn hẳn so với xà phòng bình thường
Xà phòng hữu cơ có giá cao hơn hẳn so với xà phòng bình thường. Ảnh Internet

4.2. Bỏ qua dịch vụ giao hàng tận nơi

  • Sử dụng dịch vụ giao hàng tận nơi cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận một đống rác thải nhựa. Nếu là đồ ăn, thức uống thì sẽ là thìa, đũa, hộp cơm, ly nhựa, túi nilon đựng đồ ăn, nước chấm,… Nếu là hàng hóa từ dịch vụ chuyển phát nhanh thì lại hộp giấy, băng keo, nilon,…
  • Chính vì vậy, để sống xanh buộc bạn phải vượt qua được cơn lười biếng và không cho phép mình ỷ y vào thế giới tiện nghi. Đồng nghĩa với điều đó là bạn phải tự nấu ăn, tự đến nơi mua hàng, hoặc là liên tục phải copy/paste yêu cầu “không cần gói bọc nilon” đến tất cả các đơn hàng để giảm thiểu rác thải tự sự tiện lợi.
  • Lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế lại có chút khác biệt. Việc từ chối dịch giao hàng trong thế giới bận rộn ngày nay thì có vẻ không khả thi lắm. Trong một số trường hợp bất khả kháng, buộc lòng bạn phải sử dụng mà thôi.
Từ chối các dịch vụ giao hàng tận nơi vì gây quá nhiều tác động cho môi trường
Từ chối các dịch vụ giao hàng tận nơi vì gây quá nhiều tác động cho môi trường. Ảnh Internet

4.3. Sống xanh là mang theo vài gánh nặng

  • Nặng về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Với nghĩa đen, chính là việc balo của bạn lại thêm một đống lỉnh kỉnh nào bình nước, hộp cơm, túi đựng,… Nặng vai là gánh nặng đầu tiên của lối sống xanh.
  • Thứ hai chính là nặng não. Là những người tiên phong trong việc thực hành lối sống xanh thì chắc hẳn nó không phải là thói quen được rèn luyện từ tấm bé rồi. Chính vì vậy, việc nhớ để mang theo chiếc ly, chiếc bình, hộp cơm hay là chuẩn bị bao nhiêu chiếc hộp, túi vải để ra chợ mua thịt, cá, thức ăn,… là cả một quá trình suy nghĩ, chuẩn bị.
  • Thứ ba là nặng lòng vì việc nói không với bao nilon không dễ dàng chút nào. Bạn có thể mang hộp ra chợ mua đồ và đựng vào đó. Tuy nhiên, đối với siêu thị thì chắc chắn sẽ không có bảo vệ nào cho mang hộp của bạn vào cả. Để đựng được số đồ đạc lỉnh kỉnh thì bạn phải chuẩn bị một chiếc túi lớn. Còn để không quên mang những đồ này thì buộc lòng bạn phải chuẩn bị từ tối hôm trước để phòng hờ cho bộ não cá vàng của mình.
Sống xanh đồng nghĩa với việc balo nặng gánh khi phải mang theo nhiều món đồ
Sống xanh đồng nghĩa với việc balo nặng gánh khi phải mang theo nhiều món đồ. Ảnh Internet

4.4. Cảm giác “cá lội ngược dòng”

  • “Cá lội ngược dòng”? Đúng, chính xác là vậy đó. Chúng ta đang sống trong một nền công nghiệp tiên tiến đặt lợi nhuận và tiện lợi lên hàng đầu, môi trường chỉ là tiêu chí phụ. Thế nên sự tràn ngập toàn rác nhựa, bao bì sử dụng một lần không có gì là đáng ngạc nhiên cả.
  • Đồng thời, giá cả cho cơ sở hạ tầng và quy trình sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường lại có giá thành rất cao. Từ đó dẫn đến các mặt hàng trở nên đắt đỏ với người tiêu dùng. Đặc biệt, đối với những nước chưa phát triển, tình trạng nghèo đói còn diễn ra thì tất nhiên không có chuyện chọn lựa những mặt hàng này rồi.
  • Còn đối với các nhà máy, xí nghiệp dù rằng đã có quy định về môi trường rồi. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, xử lý theo đúng quy chuẩn đặt tôn chỉ môi trường hàng đầu thì còn là một điều quá xa xỉ. Việc áp dụng đúng quy trình sẽ gây tốn kém khoảng lớn chi phí. Vậy nên, họ đẩy sang cho môi trường tự gánh chịu. Họ không hề may mảy rằng thật ra chính họ cũng sẽ bị nhận lãnh.
Sống xanh tưởng chừng như "cá lội ngược dòng"
Sống xanh tưởng chừng như “cá lội ngược dòng”. Ảnh Internet

4.5. Làm việc tốt cũng bị khinh

  • Bạn có bao giờ bị trường hợp này chưa? Khi bản thân đang cố gắng vì môi trường của chính mình và cả của họ nữa mà lại bị người khác khinh khi, giễu cợt với 2 từ “bày đặt” hay chưa?
  • Bên cạnh việc vượt qua “cám dỗ”, những người sống xanh cũng phải vượt qua “dư luận” nữa. Việc đề nghị không sử dụng túi nilon và thay vào đó là yêu cầu đóng gói bằng giấy hoặc bỏ vào cái túi vải tái chế của mình,… không thể không gặp những ánh nhìn kì lạ, những câu bình luận khiếm nhã từ người xung quanh.
  • Ủa, nhưng mà mình làm việc tốt mà. Vậy nên khó chịu một chút mà bảo vệ được môi trường thì có đáng mà phải không? Thế nên, ai cứ nói gì cứ nói, mình cứ làm bạn nhé. Nếu không thể thay đổi người khác hãy thay đổi chính mình.

Đôi khi không tránh khỏi lời bàn tán, bình luận khi luôn từ chối nhựa và nilon
Đôi khi không tránh khỏi lời bàn tán, bình luận khi luôn từ chối nhựa và nilon. Ảnh Internet

Sống xanh không hẳn là dễ dàng. Tuy nhiên, không có thay đổi nào là dễ dàng cả. Vì thế, muốn biến thế giới này trở về màu xanh ban đầu cần có những con người dám đứng lên, dám sống khác biệt. Đúng là “một cánh én không làm nên mùa xuân”. Nhưng bạn làm, tôi làm, chúng ta cùng làm. Thay đổi từ những hành động nhỏ nhất và rồi những “cơn đau” của mẹ thiên nhiên sẽ dần giảm bớt. Cùng chung tay vì một thế giới mãi xanh nhé bạn tôi hỡi. Chuyên mục Mẹo vặt chúc bạn có nhiều sức khỏe và niềm vui.

Hồng Ân tổng hợp