1. Lịch nghỉ Tết 2020
Tết 2020 là kỳ nghỉ lễ sắp tới được quan tâm khá nhiều. Đối với người Việt Nam thì có 2 ngày Tết đó là Tết Dương lịch 2020 và Tết Nguyên Đán 2020 (Tết cổ truyền). Bạn có muốn biết lịch nghỉ Tết của 2 ngày lễ này không? Nếu có thì hãy cùng List.com.vn tìm hiểu xem nhé.
1.1. Tết 2020
Tết Dương lịch năm 2020 sẽ rơi vào thứ Tư. Chính vì vậy, người lao động sẽ chỉ được nghỉ duy nhất 1 ngày mà thôi (ngày 01/01/2020). Không có ngày nghỉ bù hay nghỉ kèm ngày nghỉ cuối tuần trong năm này.
Theo quy định tại Điều 115 của Bộ luật Lao động 2012 thì người lao động sẽ được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương trong ngày Tết Dương lịch (ngày 01 tháng 01 dương lịch).
1.2. Tết Âm lịch 2020
- Sau Tết Dương lịch sẽ là kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Đây có lẽ là dịp nghỉ lễ lớn nhất và đáng mong chờ nhất của người Việt Nam.
- Về ngày nghỉ Tết Âm lịch 2020 thì đã có công văn chính thức.
- Thủ tướng đã đồng ý với lời đề nghị của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là nghỉ liên tục 7 ngày, từ ngày 23/01/2020 đến hết ngày 29/01/2020. Tức nghỉ từ ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến hết ngày 05 tháng Giêng năm Canh Tý.
- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được nghỉ 2 ngày cuối năm Kỷ Hợi và 3 ngày đầu năm Canh Tý, cộng thêm nghỉ bù 2 ngày nghỉ.
- Văn bản chính thức cho việc này được đề cập trong Công văn số 9087/VPCP-KGVX.
- Tuy nhiên, đối với các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghỉ cố định hàng tuần vào thứ Bảy và Chủ nhật sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ sao cho phù hợp.
2. 7 hoạt động truyền thống trong dịp lễ Tết Canh Tý 2020
Tết để sum vầy. Tết để yêu thương đong đầy. Tết để niềm vui giăng khắp lối… Vào dịp Tết cổ truyền, người Việt thường có rất nhiều hoạt động truyền thống mang nét riêng của dân tộc. Sau đây là 7 hoạt động thường thấy mà hầu như mọi gia đình, mọi tôn giáo đều có thể thực hiện trong dịp lễ Tết cổ truyền 2020 để giữ gìn nét đẹp truyền thống trong văn hóa người Việt Nam.
2.1. Thăm mộ tổ tiên
- Hoạt động này còn được gọi là tảo mộ. Vào khoảng độ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp, các gia đình Viêt thường tập trung đông đủ con cháu trong dòng họ để cùng nhau đi thăm viếng, dọn dẹp, sửa sang mộ của ông bà, tổ tiên.
- Đây là một nét văn hóa tâm linh không thể thiếu của người Việt mỗi độ Tết đến, xuân về. Điều này thể hiện đạo hiếu, lòng kính trọng của con cháu đối với ông bà, tổ tiên mình.
2.2. Trang trí, sửa soạn nhà cửa
- Dù bận rộn thế nào thì cũng hãy nhớ trang hoàng ngôi nhà của mình bạn nhé.
- Việc trang trí, sửa soạn nhà cửa sẽ đem đến không khí Tết cho gia đình.
- Đây cũng là khoảng thời gian để cả gia đình cùng nhau quây quần, giúp đỡ nhau sửa sang ngôi nhà của mình.
- Từ các vật dụng như bàn ghế, khung ảnh, tủ cho đến chén bát, ly bình đều được đem ra để dọn rửa.
- Tất tần tật mọi thứ đều sẽ được sửa sang, lau dọn sạch sẽ. Điều này mang ý nghĩa mong muốn chào đón một năm mới với nhiều cái mới, với nhiều may mắn và thành công.
- Không chỉ dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ mà nhiều gia đình còn trang trí cho ngôi nhà mình những loại hoa biểu tượng cho mùa xuân như: hoa mai, hoa đào, cây quất…
2.3. Gói bánh chưng, bánh tét
- Một trong những nét văn hóa đặc trưng nữa vào ngày Tết cổ truyền của Việt đó là tục gói bánh chưng, bánh tét.
- Hoạt động này thể hiện sự gắn kết, tình yêu thương giữa những người thân trong gia đình. Bạn sẽ cảm nhận được sự ấm cúng, không khí chan hòa tình yêu khi cùng nhau sum vầy bên nồi luộc bánh đón chào năm mới.
- Tục lệ này còn mang ý nghĩa lịch sử – Sự tưởng nhớ đến cha ông, khi vua Hùng Vương thứ 6 quyết định chọn bánh chưng của Lang Liêu làm vật cúng tế tổ tiên.
- Đối với miền Bắc, bánh chưng sẽ là món đặc trưng. Còn ở miền nam thì lại phổ biến món bánh tét. Tuy có khác nhau về hình dáng, tên gọi, công thức gói, tuy nhiên cả hai đều có điểm chung đó là biểu tượng của món ngon ngày Tết Nguyên Đán.
2.4. Hái lộc đầu xuân vào dịp Tết 2020
- Hái lộc đầu xuân với ý nghĩa nhằm cầu chúc cho một năm mới với nhiều niềm vui, may mắn, vạn sự như ý.
- Người Việt thường thực hiện hoạt động này vào đêm giao thừa hoặc sáng sớm mùng một Tết.
- Đây là một nét đẹp truyền thống trong năm mới của người Việt
2.5. Sửa soạn mâm ngũ quả đón chào Tết cổ truyền 2020
- Sửa soạn mâm ngũ quả là một trong những thú vui tao nhã của người Việt vào dịp Tết.
- Một mâm ngũ quả đúng nghĩa là phải thể hiện cho 5 yếu tố Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Đây 5 yếu tố cấu thành nên vũ trũ (theo quan niệm của người Việt nói riêng và của văn hóa Á Đông nói chung).
- Mâm ngũ quả ngày Tết thường gồm 5 loại trái cây. Tuy nhiên, tùy vào từng phong tục, vùng miền mà cách chọn 5 loại quả cũng có sự khác nhau.
- Ở miền Bắc, mâm ngũ quả ngày Tết thường gồm 5 loại quả sau: Bưởi, đào, chuối, hồng, quýt.
- Ở miền Nam, mâm ngũ quả lại gồm các loại như: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài (Cầu sung vừa đủ xài). Tại chân đế thường đặt thêm 3 trái dưa thể hiện sự vững vàng. Đặc biệt không thể thiếu cặp dưa hấu. Một lưu ý nhỏ là đối với người dân miền Nam thì chuối là thứ quả không bao giờ xuất hiện trong mâm ngũ quả (cách phát âm gần giống với từ “chúi” thể hiện sự nguy khó).
- Còn đối với miền Trung do chịu sự giao thoa văn hóa 2 miền Bắc – Nam. Vì thế, mâm ngũ quả ngày Tết bày biện đủ: Chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài.
2.6. Cùng người thân đón giao thừa chào đón năm mới
- Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
- Thời khắc này mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng đối với người dân Việt Nam.
- Tại mỗi địa phương, thường có cuộc tổ chức các màn bắn pháo hoa chào đón năm mới. Điều này nhằm thể hiện niềm hy vọng một năm mới tươi vui, bình an, hạnh phúc của người Việt.
- Ai ai cũng muốn được ở bên cạnh những người mình yêu thương trong thời khắc này.
- Người Việt quan niệm đầu năm ăn no mặc ấm thì cả năm làm việc gì cũng đươc suôn sẻ. Vì vậy, các gia đình cũng thường có bữa ăn đón giao thừa.
2.7. Chúc Tết, mừng tuổi
- Ba ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 được coi là ba ngày quan trọng nhất của Tết cổ truyền.
- Trong 3 ngày này, hầu hết mọi người đều tạm gác các công việc lại. Mọi người sẽ để dành thời gian cho gia đình, cho những người mà họ yêu thương. Mọi người cũng cùng nhau đi chúc tết người thân, bạn bè, họ hàng, gia đình nội ngoại…
- Con cháu sẽ dành những lời chúc tốt đẹp đến ông bà, cha mẹ và những người lớn tuổi.
- Những người lớn thường chúc lại trẻ nhỏ bằng cách lì để mừng tuổi các em và thay cho lời chúc năm mới.
Với kế hoạch nghỉ Tết như trên bạn có dự tính gì cho mình chưa nè? Cùng lên kế hoạch lập kèo mau mau với team của mình ngay thôi nào. Và đừng quên dành thời gian cho gia đình yêu thương của mình nữa nhé. Chuyên mục Giải trí chúc bạn có nhiều sức khỏe và một cái Tết vui tươi nè.
Hồng Ân tổng hợp