Kiêu hãnh và Định kiến là câu chuyện tình yêu đẹp trong xã hội cũ tại vùng quê Anh quốc. Tình yêu đó không quá nồng cháy, không quá sôi động nhưng đủ để làm nên một chuyện tình lịch sử.
1. Tác phẩm Kiêu hãnh và Định kiến
- Kiêu hãnh và định kiến có tên tiếng Anh là “Pride and Prejudice”. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Anh Jane Austen. Cuốn tiểu thuyết này viết từ năm 1796 đến năm 1797 và được xuất bản năm 1813. Truyện không có những tình tiết bất ngờ, không có sự kiện đặc sắc mà chủ yếu đi sâu vào phân tích tâm lý nhân vật.
- Tựa tác phẩm nói về sự kiêu hãnh và các định kiến của nhân vật này đối với nhân vật kia. Bởi vì “Kiêu hãnh và Định kiến” là cuốn tiểu thuyết văn học cổ điển cuối thế kỷ 18 cho nên văn phong ngôn từ có khác ít nhiều so với ngôn ngữ hiện đại bây giờ. Hơn nữa, nhiều câu từ trong văn mạch rất bóng bẩy, sâu sắc và trừu tượng, pha thêm châm biếm dí dỏm buộc người đọc cần suy nghĩ mới tìm ra được Chân, Thiện, Mỹ ẩn khuất trong lối viết của tác giả.
Nội dung: Nói về tình yêu và hôn nhân của tầng lớp quý tộc nhỏ tại Anh vào đầu thế kỷ 19. Câu chuyện mỉa mai thói hư tật xấu của tầng lớp cành vàng lá ngọc. Tác phẩm nêu lên hiện thực đàn bà khát chồng giàu trong khi đàn ông thừa tiền sẽ chi đậm mua tình yêu và hôn nhân của phụ nữ. Nhân vật chính là Elizabeth Bennet. Cô là cô gái tuổi đôi mươi, xuất thân trong một gia đình trung lưu.
2. Vài nét về tác giả Jane Austen
- Jane Austen sinh ngày 16 tháng 12 năm 1775 tại Steventon, Hants, Anh. Là người con thứ bảy trong tám người con của Mục sư George Austen (1731 – 1805).
- Kiến thức mà Jane Austen có được là từ bố của cô và lượng sách vở Jane được đọc. Cô được lớn lên trong gia đình sống động và yêu thương. Cùng với đó là những mối quan hệ rộng rãi với họ hàng và bạn hữu, đã cung cấp bối cảnh cho các tác phẩm của tác giả.
- Tác giả đã bắt đầu viết những vở kịch ngắn, tiểu phẩm và một ít thơ cũng như văn xuôi nhằm tạo vui thú trong gia đình. Lấy cảm hứng từ khung cảnh đời sống của mình – vùng nông thôn, giáo xứ, láng giềng và những thị trấn miền quê, cùng những chuyến thăm viếng đến các thành phố Bath và London để làm chất liệu cho những tình huống, cá tính và đề tài trong các tác phẩm của mình.
- Vào năm 1816, tác giả bắt đầu chớm căn bệnh Addison (thoái hóa tuyến thượng thận) và qua đời ngày 18 tháng 7 năm 1817.
3. Cốt truyện của tiểu thuyết “Kiêu hãnh và Định kiến”
- Truyện được lấy bối cảnh là xã hội cũ tại một vùng quê ở Anh quốc. Câu chuyện xoay quanh mối tình của Elizabeth Bennet – Cô con gái của gia đình trung lưu và Fitzwilliam Darcy – một địa chủ giàu có. Một cuộc tình với đầy sự khó khăn, thử thách. Hai con người ấy ghét nhau từ cái nhìn đầu tiên nhưng cuối cùng lại yêu nhau say đắm.
- Mẹ của Elizabeth là bà Bennet luôn canh cánh lo sợ sẽ bị đuổi ra khỏi nhà khi ông Bennet qua đời nên hóng hớt khắp nơi để gả những cô con gái của mình cho các chàng trai ở tầng lớp thượng lưu. Sự xuất hiện của Bingley, một địa chủ giàu có đã lọt vào mắt của bà Bennet. Jane được hứa gả cho Bennet, nhưng nào ngờ Bingley đột ngột rời làng về Luân Đôn khiến cô bị thất tình.
- Chuyện cũng châm biếm về anh chàng Collins ngốc nghếch nhưng có chức quyền, địa vị bởi sự nịnh hót của mình. Tuy nhiên, Elizabeth đã từ chối Collins mặc cho anh ta giàu có thế nào đi nữa. Nàng Elizabeth thông minh đã mắc sai lầm khi nghe lời Wickham mà đánh giá sai trật về Darcy. Thế nhưng, sau bao nhiêu hiểu lầm thì cuối cùng cả hai đã đến được với nhau bằng tình yêu chân thành giữa xã hội thực dụng lúc bấy giờ.
4. Nhân vật chính
- Elizabeth (Lizzy) Bennet.
- Fitzwilliam Darcy.
- Ông Bennet.
- Bà Bennet.
- Jane Bennet.
- Mary Bennet.
- Catherine (Kitty) Bennet.
- Lydia Bennet.
- Charles Bingley.
- George Wickham.
- William Collins.
- Charlotte Locas.
- Phu nhân Catherine De Bourgh.
5. Nhân vật chính của tiểu thuyết “Kiêu hãnh và Định kiến”
Darcy – Elizabeth cặp đôi dường như trái ngược nhau hoàn toàn, đây là hai nhân vật chính trong tiểu thuyết tình yêu này. Trải qua bao sóng gió họ đã dần dần xích lại gần nhau hơn. Cái kết thật đẹp khi tình yêu của họ là tình yêu từ chính nội tâm đẹp đẽ của đối phương chứ không phải vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài.
5.1. Elizabeth Bennet – Nhân vật xuất sắc trong câu chuyện “Kiêu hãnh và Định kiến”
- Elizabeth Bennet là một cô gái thông minh, có cá tính. Cô luôn biết được bản thân mình muốn gì, cần gì và có khả năng làm được những cái gì. Ở cô toát ra một chút gì đó kênh kiệu, kiêu căng, xa cách nhưng thực chất lại vô cùng hiền lành, nhút nhát, đúng chuẩn con gái của xã hội cũ. Vì vậy, cô chính là mẫu hình lý tưởng, đầy quyến rũ thu hút những nhân vật nam trong câu chuyện.
- Cô là cô nàng luôn mong muốn được tự quyết định tương lai của chính mình, chọn cho bản thân một cuộc sống thú vị chứ không hề bị bó buộc bởi những định kiến, ham muốn “gả cho chồng giàu sang” của người mẹ của mình. Elizabeth kiêu hãnh vì lòng tự trọng của mình và có định kiến về cung cách trưởng giả của Darcy. Có lẽ, chỉ Elizabeth là khác với những người con gái khác chung quanh Darcy. Với cá tính nhạy bén, dí dỏm và cứng cỏi, Elizabeth được xem là một trong những nhân vật lôi cuốn nhất trong nền văn học Anh. Mặc dù, cô là người có đôi mắt sắc bén, và đôi tai nhạy cảm nhưng cũng đã sai lầm.
- Cô đã đặt định kiến lên Darcy chỉ bởi lời nói của anh chàng Wickham. Tuy nhiên, sau khi cô đọc bức thư mà Darcy giải thích về tình huống của Wickham, cô dành nhiều thời gian kiểm điểm bản thân vì hành động của mình. Và cuối cùng, Elizabeth đã thực sự bị cảm động bởi những hành động thầm kín của Fitzwilliam Darcy.
5.2. Anh chàng Fitzwilliam Darcy
- Tính kiêu hãnh về giai cấp và tài sản của mình cùng định kiến về vị thế thấp kém của gia đình Elizabeth khiến Darcy lúc đầu muốn tránh xa cô. Anh là một tên địa chủ kiêu căng, lạnh lùng. Anh ta luôn kiêu hãnh về vị trí và tầng lớp cũng như học thức của mình.
- Darcy đã làm cho mình trở nên đáng ghét với tất cả mọi người trong làng, cho cả gia đình Bennet và đặc biệt là Elizabeth. Tuy nhiên, ngay từ lần đầu tiên anh đã có ấn tượng. Anh càng ngưỡng mộ hơn với Elizabeth khi cô đến thăm bạn mình là Charlotte.
- Lần đầu tiên anh cầu hôn thì bị Elizabeth từ chối. Cô từ chối một cách thẳng thừng cùng với rất nhiều lời buộc tội. Sau đó, Darcy đã viết thư giải thích cho cô về mọi thứ. Nhờ những “bài học” từ Elizabeth mà anh đã thay đổi dần cách cư xử của mình. Sự kiêu hãnh nơi anh dần được kiểm soát. Khi nhận ra, Elizabeth cũng đã bắt đầu có tình cảm với mình, Darcy cầu hôn lần thứ hai và được chấp nhận.
6. Ba nhân vật mở màn cho câu chuyện “Kiêu hãnh và Định kiến”
Nổi bật trong đoạn đầu của tiểu thuyết không phải 2 nhân vật trung tâm mà là 3 nhân vật đại diện cho tầng lớp địa chủ nhỏ thời bấy giờ. Một là người đàn bà hám danh lợi. Hai là người đàn ông chuyên “phục vụ”. Và ba là người phụ nữ đang tìm chồng.
6.1. Bennet – Bà nội trợ trung lưu điển hình
- Bennet là bà mẹ của 5 cô con gái: Jane xinh đẹp và mạnh mẽ, Elizabeth thông minh, Mary ham học, Kitty nhí nhảnh và Lydia hoang dã.
- Bà chính là hiện thân của những con người thuộc tầng lớp trung lưu nhưng muốn đổi đời, vươn lên tầng lớp thượng lưu bằng con đường kết thân với nhà giàu. Cũng chính vì vậy, bà luôn sốt sắng với những cuộc hôn nhân của các cô con gái của mình.
- Với tình hình xã hội lúc bấy giờ chưa có nhiều người biết làm kinh tế và phụ nữ mặc nhiên chỉ đảm nhiệm vai trò nội trợ trong nhà. Hay nói cách khác, đó là lí do khiến những chàng trai có hầu bao rủng rỉnh luôn là mục tiêu của các thiếu nữ. Bà Bennet cũng vậy. Giàu có, sang chảnh là điều tiên quyết bà yêu cầu ở chàng rể.
- Đạo đức lúc bấy giờ không thể nào thắng nổi sức mạnh của đồng tiền và quyền lực. Không cần phải có tâm tính tốt, chỉ cần đáp ứng điều kiện tiên quyết thì sẽ được bà Bennet đồng ý ngay.
6.2. Mục sư Collins – Họ hàng xa của bà Bennet
- Là người thân nhất của ông Bennet. Vì vậy, anh chàng Collins sẽ được thừa kế gia sản sau cái chết của ông Bennet. Mặc dù đất diễn không nhiều, nhưng mỗi lần xuất hiện đều khiến người đọc bật cười về sự lố lăng, kệch cỡm của anh ta.
- Nhờ sự tình cờ quen biết phu nhân Catherine de Bourgh, cuộc đời anh đã bước sang một trang mới. Anh có tiền bạc, đất đai và cả vợ đẹp khi chỉ cần tâng bốc bà già đó mà thôi. Chính điều đó cho thấy rằng, Collins chính là sự pha trộn giữa ngạo mạn và quỵ lụy, giữa tự cao, tự đại và hèn mọn nhún nhường.
- Collins nghĩ rằng điều tốt nhất mà ông nên làm là kết hôn với một trong những cô gái Bennet để giữ gìn nhà của họ. Chính nhờ sự giàu có mà dù là một kẻ ngốc nghếch, chẳng ra gì nhưng lại được phu nhân Bennet trọng vọng. Không những không ngăn mà bà còn đồng ý gả con gái mình cho anh ta.
- Một anh chàng rỗng tuếch, xu nịnh, trượng thượng lại được phu nhân Bennet đối xử hết mực tử tế. Và hơn thế nữa là bà gần như phát điên khi chứng kiến cô con gái thứ 2 của mình là Elizabeth lại dám từ chối thẳng thừng vị mục sư “khả kính” này.
6.3. Charlotte Lucas – Người phụ nữ của gia đình
- Charlotte ban đầu được mô tả là một người phụ nữ thông minh, nhạy cảm, thuộc tầng lớp trung lưu. Cô chính là người bạn thân thiết của Elizabeth (nhân vật chính của câu chuyện). Tuy nhiên, một cái kết buồn khi cô chấp nhận trở thành vợ của Collins hèn hạ, độc đoán.
- Khi Elizabeth từ chối lời đề nghị kết hôn của ông Collins thì Charlotte đã chấp nhận ông. Cô chấp nhận lời đề nghị mặc dù biết rằng mình chỉ là sự lựa chọn thứ 2 (thực chất là thứ 3 vì thực ra ban đầu Collins đã để ý đến Jane). Cô đã kết hôn với một người đàn ông mà cô không yêu. Cô làm vậy chỉ vì không muốn trở thành một người giúp việc cũ. Và hơn thế nữa là vì anh là người đàn ông đầu tiên tỏ ra quan tâm đến việc cưới cô.
- Sau khi kết hôn, cô ấy làm những điều tốt nhất, sắp xếp gia đình để tránh dành nhiều thời gian cho chồng và giả vờ không nghe những lời chê bai của anh ta. Khi bị mọi người trách thì cô giải thích rằng: Cô đã 27 tuổi, vài năm nữa thì đã 30. Đến lúc đó cơ hội kiếm chồng gần như bằng không. Và điều đó cũng đồng nghĩa là cô sẽ phải mang danh gái ế suốt đời. Khao khát của cô đơn giản chỉ là có gia đình, với ai cũng được, cô sẽ thu xếp lo toan mọi thứ trong nhà.
- Charlotte sự che giấu cảm xúc vô cùng tuyệt vời. Vì vậy không ai biết được những buồn tủi, mệt mỏi, thất vọng khi trở thành bà Collins của cô.
7. Các chuyển thể của cuốn tiểu thuyết “Kiêu hãnh và Định kiến”
Là một tác phẩm đặc sắc nhận được rất nhiều lời khen từ đọc giả. Vậy nên, câu chuyện đã được nhiều lần chuyển thể thành phim, truyền hình, và sân khấu.
7.1. Phim Kiêu hãnh và Định kiến
- Năm 1940: Lần đầu tiên cuốn tiểu thuyết được dựng thành bộ phim với tên gọi “Pride and Prejudice”. Diễn viên chính của bộ phim này là Greer Garson và Laurence Olivier.
- Năm 2001: “Bridget Jones’s Diary” – Bộ phim có cùng đề tài với “Kiêu hãnh và Định kiến”. Nhân vật Mark Darcy (diễn viên Colin Firth) được đặt tên theo nhân vật trong tiểu thuyết.
- Năm 2003: “Pride and Prejudice: A Latter-day Comedy”.
- Năm 2004: “Pride and Prejudice”, theo thể Bollywood. Đạo diễn bộ phim là Gurinder Chadha với diễn viên Anupam Kher, Aishwarya Rai, và Naveen Andrews.
- Năm 2005: “Pride and Prejudice” với diễn viên Keira Knightley và Matthew Macfadyen.
- Năm 2016: “Pride and Prejudice and zombie” với diễn viên Lily Jeams.
7.2. Truyền hình
- 2/2 đến 8/3 năm 1952: Được khởi chiếu trên BBC, 5 tập với diễn viên Ann Baskett và Peter Cushing.
- Năm 1980: Kiêu hãnh và Định kiến được chuyển thể thành phim truyền hình. Bộ phim do Fay Weldon chuyển thể với diễn viên Elizabeth Garvie và David Rintoul.
- Năm 1995: Kiêu hãnh và Định kiến được chuyển thể thành phim truyền hình bởi Andrew Davies. Diễn viên là Jennifer Ehle và Colin Firth.
- Và một số phim truyền hình khác chiếu trên BBC trong những năm 1938, 1958, và 1967.
7.3. Sân khấu
Cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành tác phẩm “First Impressions” và trình diễn trên sân khấu Broadway.
Bạn đang tìm một câu chuyện tình yêu đẹp trong xã hội cũ? Bạn muốn đọc về một tình yêu đẹp nhưng không quá sôi nổi? Vậy thì đừng bỏ qua cuốn tiểu thuyết Kiêu hãnh và Định kiến này nhé. Chuyên mục Giải trí chúc bạn sẽ có phút giây thư giãn và lắng mình bên cuốn sách đầy nhân văn này.
Hồng Ân tổng hợp