1. Trẻ sơ sinh bị ho
Bố mẹ có biết, ho chính là một phản xạ có lợi cho cơ thể, nó giúp bảo vệ con trước các tác nhân gây bệnh hoặc loại bỏ những dị vật, đờm, dịch mũi họng,… ra khỏi đường hô hấp, giúp làm sạch đường thở. Tuy nhiên, tình trạng trẻ so sinh bị ho nhiều cũng sẽ gây ảnh hưởng đến các hoạt động của con. Đặc biệt là kèm theo các dấu hiệu sốt, khò khè, thở nhanh, khó thở,.. Lúc này, mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Một số nguyên nhân điển hình khiến trẻ bị ho đó là:
- Bé hít phải khói thuốc lá.
- Môi trường sống xung quanh con có nhiều ô nhiễm.
- Thời tiết thay đổi.
- Bé bị viêm phế quản, viêm phổi, dị ứng, ho gà,..
- Bé bị sặc hoặc hóc dị vật.
- Bí bị nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV – respiratory syncytial virus.
- Đường hô hấp của con tăng chất dịch nhầy để chống lại vi khuẩn,…
2. Nhận biết trẻ sơ sinh bị ho và các cách xử lý kịp thời
Khi trẻ sơ sinh bị ho, bố mẹ hãy quan sát thật kĩ những triệu chứng của trẻ để xác định rõ nguyên nhân. Cụ thể:
2.1. Trẻ bị ho do mắc bệnh cảm lạnh hoặc cảm cúm
Cảm lạnh và cảm cúm là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh bị ho. Lúc này, bé sẽ có những biểu hiện như sau:
- Tùy thuộc vào mức độ mà bé có thể bị ho khan, ho có đờm…
- Bé có các biểu hiện của bệnh viêm họng.
- Nghẹt mũi.
- Sốt nhẹ vào ban đêm.
Phương pháp điều trị:
- Khi trẻ bị cảm lạnh hoặc cảm cúm, mẹ nên cho bé bú đủ cữ mỗi ngày. Việc này có tác dụng làm loãng dịch đờm giúp những cơn ho của con được dễ dàng hơn.
- Khi trẻ có nhiều dịch đờm và nghẹt mũi, mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý để làm sạch mũi cho con. Nếu bé trên 1 tuổi, mẹ có thể cho bé uống nước mật ong pha với nước ấm để làm loãng đờm.
- Mẹ có thể cho bé sử dụng thuốc hạ sốt dành cho trẻ sơ sinh theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không sử dụng thuốc một cách tùy tiện.
- Nếu trẻ bị sốt cao trên 38 độ C và có dấu hiệu mệt mỏi, bỏ bú, quấy khóc,… nên cho con đi khám ngay. Đặc biệt đối với trẻ dưới 4 tháng tuổi khi bị sốt, thậm chí sốt nhẹ cũng có thể là dấu hiệu nguy hiểm.
2.2. Do viêm thanh khí phế quản
Khi khí quản và thanh quản của con bị viêm, khiến cho lớp màng khí quản bị sưng lên. Đây được gọi là viêm thanh khí phế quản, chính là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ bị ho và thở khò khè. Bệnh này chủ yếu xảy ra vào ban đêm nên rất dễ khiến bé khó chịu, quấy khóc, khó thở và mất ngủ.
Dấu hiệu:
- Trẻ thường thở yếu, da tái xanh.
- Ho từng cơn ngắn và tiếng ho khá lớn.
- Trẻ thở nghe như tiếng ngáy hay tiếng huýt sáo qua kẽ răng.
- Trong các trường hợp nghiêm trọng, bé sẽ cố vận động các cơ ở mũi, cổ và cánh tay mạnh để dễ thở hơn.
Phương pháp điều trị:
- Làm dịu cơn ho của con bằng cách ẵm ở tư thế vác vai rồi vỗ nhẹ lên lưng bé.
- Nếu trời mát, không khí trong lành hãy ẵm bé đi dạo để giúp con dễ thở hơn.
- Nên sử dụng máy làm ẩm không khí nếu ở trong phòng có máy lạnh.
- Tình trạng viêm thanh khí phế quản có thể giảm sau 3 – 5 ngày. Tuy nhiên, sau thời gian này bệnh của trẻ vẫn chưa thuyên giảm, ba mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp.
2.3. Trẻ sơ sinh bị ho do viêm phổi
Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn gây ra khi trẻ bị cảm lạnh thông thường. Bé bị viêm phổi thường ho ra đờm có màu xanh hoặc vàng. Việc điều trị bệnh này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và tác nhân gây bệnh. Đặc biệt, bệnh viêm phổi do vi khuẩn, phổ biến nhất là do vi khuẩn Strep sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều so với do virus. Do đó, khi nghi ngờ trẻ bị viêm phổi, ba mẹ ên đưa bé đến bệnh viện để được chuẩn đó và điều trị. Nhất là khi con bị ho viêm phổi kèm theo sốt.
2.4. Trẻ sơ sinh bị ho vì bệnh ho gà
Ho gà là bệnh do vi trùng Bordetella pertussis gây ra. Bệnh này rất dễ lây lan và có khả năng tử vong cao nhất trong các chứng bệnh có thể phòn ngừa bằng vắc xin. Khi vi trùng này tấn công lớp niêm mạc của đường thở sẽ gây viêm, làm hẹp và chặn đường thở của trẻ.
Dấu hiệu:
- Trẻ sẽ có những con ho liên tiếp nhau càng lúc càng nhanh rồi yếu dần. Sau đó sẽ đến giai đoạn hít sâu nghe như tiếng gà gáy.
- Sau mỗi lần ho, trẻ sẽ bị đỏ mặt, môi tím, hai mắt sưng và tĩnh mạch ở cổ nổi rõ.
- Khi bị ho gà, trẻ sẽ không có những triệu chứng của cảm lạnh và sốt.
Điều trị:
- Nếu chuẩn đoán chính xác trẻ bị ho gà. Bé cần được nhập viện để theo dõi và điều trị đúng cách.
- Hỗ trợ thở oxy cho trẻ trong các cơn ho.
- Để phòng tránh tốt nhất bệnh ho gà, bố mẹ nên cho con tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.
- Nếu có điều kiện, hãy cho bé tiêm chủng uốn ván, bạch cầu, ho gà tăng cường để tránh bị lây lan bệnh.
2.5. Do sặc sữa hay hóc dị vật
Sặc hay hóc dị vật cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị ho. Ở một số trường hợp, trẻ còn có thể bị viêm phổi do thức ăn hay dị vật mắc kẹt ở đường hô hấp.
Trẻ bị sặc sữa:
- Trẻ bị ho đột ngột khi đang bú hoặc sau khi bí.
- Người tím tái, sữa có thể trào ra mũi hoặc miệng.
- Trường hợp nặng có thể khiến trẻ ngưng thở.
Lúc này, trẻ cần được sơ cứu ngay lập tức và đưa trẻ đi cấp cứu nếu không sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng.
Phòng tránh:
- Khi cho trẻ bú cần đặt đầu trẻ cao hơn thân mình, nhưng phải đảm bảo cổ và lưng tạo thành một đường thẳng.
- Không ép trẻ phải bú khi không muốn hoặc đang khóc.
- Sau khi trẻ bú xong, mẹ nên bế trẻ, đầu dựa vào vai mẹ. Đồng thời vỗ nhẹ vào lưng để trẻ ợ hơi.
- Nên cho trẻ bú mẹ trực tiếp vì các tia sữa ở đầu vú rất nhỏ so với núm vú giả. Nếu dòng sữa của mẹ quá mạnh, hãy vắt bớt sữa và cho trẻ uống bằng thìa.
Trẻ bị hóc dị vật:
- Bé không thể ho được, miệng há to.
- Da xanh và nhợt nhạt do thiếu oxy.
Nên nhanh chóng xử lý để lấy dị vật ra bằng cách đỡ bé nằm úp trên tay. Vỗ nhẹ vào khoảng giữa hai xương bả vai để con có thể ho mạnh giúp tống dị vật ra ngoài. Trong trường hợp không thể lấy dị vật ra, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời. Tuyệt đối không dùng tay lấy dị vật vì rất có thể sẽ đẩy nó vào sâu bên trong.
2.6. Trẻ bị ho do bệnh viêm đường hô hấp trên
Đường hô hấp trên bao gồm mũi, họng, hầu, xoang, thanh quản. Đây chính là nơi thường xuyên tiếp xúc với môi trường nên khả năng bị viêm là rất cao. Chẳng hạn như những bệnh: viêm họng, viêm amidan, viêm xoang, viêm thanh quản, sổ mũi,… Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do virus, vi khuẩn, thời tiết lạnh, môi trường sống ẩm thấp, chật hẹp, kém vệ sinh.
Dấu hiệu:
- Trẻ bị sốt nhẹ, ho khò khè, có thể ho có đờm.
- Đôi khi còn kèm theo chảy nước mũi.
- Sốt cao.
Điều trị:
- Đối với trường hợp nhẹ, chỉ cần vệ sinh mũi cho con đầy đủ để thông thoáng đường thở.
- Nâng cao sức đề kháng cho con bằng cách sử dụng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
- Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa thông thoáng.
- Đối với trường hợp nặng hơn, ba mẹ không được tự ý dùng thuốc mà phải đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám kịp thời.
Phòng tránh:
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói, bụi, ô nhiễm, hơi nóng và khí độc.
- Giữ ấm đúng cách cho trẻ khi trời lạnh.
- Mùa hè không nên để điều hòa quá lạnh hoặc để quạt chiếu thắng vào mặt trẻ.
- Giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống cho trẻ thật tốt.
- Cho trẻ bú đủ và có một chế độ ăn hợp lý để tăng sức đề kháng.
2.7. Trẻ bị ho do viêm đường hô hấp dưới
Đường hô hấp dưới bao gồm khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phế nang. Do đó, các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản cấp,… thường thấy đều thuộc về bệnh viêm đường hô hấp dưới. Thời gian dễ xảy ra các bệnh này nhất là vào mùa lạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do sự tấn công của vi khuẩn, virus. Bệnh thường xảy ra nhất đối với những trẻ bị còi cọc, sức đề kháng yếu, sống trong môi trường nhiều bụi bẩn, khói thuốc,…
Dấu hiệu:
- Trẻ bú kém, bỏ bú hoặc bị sốt cao, hạ thân nhiệt.
- Trẻ ho nhiều, ho nặng tiếng.
- Thở nhanh, gấp, khi thở phải dùng nhiều sức, khó thở.
- Ngủ li bì, mệt mỏi.
- Ho nhiều về đêm, chảy nước mũi, hắt hơi.
Những bệnh liên quan đến đường hô hấp dưới thường rất nghiêm trọng. Vì thế, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.
Phòng tránh:
- Vệ sinh thân thể, đặc biệt là tai mũi họng cho trẻ mỗi ngày.
- Không để trẻ hít phải khói thuốc, không khí bẩn, ô nhiễm.
- Giữ ấm đúng cách cho trẻ khi trời lạnh.
- Vệ sinh chân tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với trẻ.
- Vệ sinh môi trường sống không ẩm thấp, bí bách.
3. Khi nào cần đưa bé đi bác sĩ?
Khi trẻ bị ho nhẹ, trước hết mẹ hãy ưu tiên các biện pháp chăm sóc, chữa trị tại nhà mà không dùng đến thuốc như nhỏ nước muối sinh lý vào mũi, cho trẻ bú mẹ nhiều hơn, sử dụng máy làm ẩm không khí và nâng cao đầu trẻ khi nằm.
Tuy nhiên, nếu trẻ có các biểu hiện của bệnh ho nặng hơn, mẹ cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ. Cụ thể:
- Trẻ sơ sinh dưới 4 tháng bị ho, cho dù là bất cứ loại ho nào.
- Ho khan do cảm lạnh (sổ mũi nhưng không sốt) kéo dài từ 5 – 7 ngày trở lên.
- Ho khan hoặc có đờm kèm theo sốt từ 38 độ C trở lên.
- Trẻ ho nhiều, khò khè và quấy khóc
- Trẻ ho không ngừng và không thể kiểm soát được hơi thở của mình.
4. Hướng dẫn mẹ cách chăm sóc trẻ bị ho
Trẻ sơ sinh rất cần được chăm sóc, đặc biệt là khi trẻ bị ho. Cùng điểm qua những lưu ý khi chăm sóc bé nhé.
- Giữ ấm cho trẻ: Vào mùa lạnh, trẻ cần giữ ấm đường hô hấp. Ra ngoài trời cần mặc ấm, đeo khẩu trang. Không để điều hòa quá lạnh, đặc biệt vào đêm và gần sáng.
- Tăng cường sức khỏe cho trẻ: Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp hệ miễn dịch của con luôn khỏe mạnh để chống lại tác nhân gây bệnh. Trong giai đoạn bệnh, nên cho trẻ uống nước, đặc biệt nước hoa quả. Điều này, giúp cung cấp các vitamin thiết yếu và lượng nước cần thiết cho trẻ.
- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày: Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày giúp dạ dày bé tiêu hóa nhanh hơn, tránh bị nôn trớ dẫn đến sặc. Mẹ nên chọn đồ ăn dễ tiêu, dễ nuốt, mức độ lỏng của đồ ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con.
- Thay đổi chế độ ăn: Không ép trẻ ăn quá no, không đặt trẻ nằm ngay sau ăn, không nấu đồ ăn quá đặc cho trẻ còn nhỏ hoặc ngược lại. Độ loãng đặc của đồ ăn nên được thay đổi phù hợp khi trẻ lớn dần.
- Điều trị ho: Trong những tháng đầu đời, trẻ còn non nớt, rất nhạy cảm với các hoạt chất có trong thuốc, thực phẩm, dược liệu.
- Không tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ: Việc sử dụng kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ sẽ khiến trẻ có thể bị kháng thuốc và gây khó khăn cho việc điều trị.
5. Những trường hợp mẹ cần lưu ý
5.1. Trẻ sơ sinh bị ho có đờm
- Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chủ yếu thở bằng mũi. Lỗ mũi của trẻ thường có kích thước nhỏ nên rất dễ bị ho, nghẹt mũi dẫn để thở khụt khịt. Khi thấy tiếng thở của trẻ có điều bất thường vì ho có đờm, khò khè cần đưa trẻ đến bệnh viện để khám, xác định nguyên nhân và có các biện pháp can thiệp kịp thời.
- Khi trẻ có các dấu hiệu như: Ho khò khè kèm theo khó thở, người tím tái, ngủ li bì, vật vã…cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức. Các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm sâu như: Chụp X quang, siêu âm, chụp CT lồng ngực, nội soi hô hấp…
5.2. Trẻ sơ sinh bị ho khan
- Ho khan xảy ra khi trẻ bị cảm lạnh hay dị ứng, đôi khi kèm theo triệu chứng thở khò khè. Mẹ nên cho bé bú nhiều hơn thường ngày. Nếu tình trạng không giảm, cách tốt nhất là đưa trẻ đến bác sĩ để được hướng dẫn.
- Bạn nên làm ẩm không khí xung quanh để tốt cho hệ hô hấp ở trẻ bởi nó sẽ giúp trẻ dễ thở hơn và giảm các triệu chứng ho hiệu quả.
- Nếu bé ho khan kéo dài trên 5 ngày, thì cần phải đi khám ngay. Nếu ho kéo dài trên 3 tuần kèm theo sốt hoặc ho có đờm xanh, nâu gỉ, vàng,… Đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm, cần được thăm khám và xử trí kịp thời.
- Với những trẻ đã ăn dặm, bạn có thể thêm tỏi vào trong những món ăn của trẻ. Theo nghiên cứu thì tỏi có tác dụng nâng cao sức đề kháng với virus gây bệnh. Điều này sẽ giúp bé khỏe nhanh hơn.
5.3. Trẻ sơ sinh bị ho có đờm và sổ mũi
Bạn có thể áp dụng cách trị sau đây:
- Tắc chưng đường phèn: 2 trái tắc xanh, bỏ hạt, cắt nhiều miếng nhỏ. Cho tắc cùng một ít đường phèn vào chén và hấp cách thủy từ 15 – 20 phút. Để nguội cho bé uống 3 lần/ ngày. Mỗi lần 1 muỗng cà phê.
- Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi sẽ giúp giảm lượng chất nhầy trong mũi, làm sạch và giảm sưng đường hô hấp. Vì vậy nó sẽ giúp trẻ ho dễ hơn và dễ tống đờm ra ngoài hơn.
- Bú sữa mẹ thường xuyên sẽ bổ sung nước giúp giảm chất nhầy ở mũi và đường hô hấp giúp trẻ sẽ đỡ khó thở và ho cũng dễ dàng.
- Dùng một chiếc gối cao hơn hoặc kê thêm một chiếc khăn vào gối cho trẻ để nâng đầu cao hơn, việc này sẽ giúp trẻ thở dễ dàng hơn.
Trẻ sơ sinh bị ho có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, các bậc phụ huynh cần trang bị thật kỹ kiến thức để không trở nên lo lắng quá khi con bị bệnh. Ngoài ra, có một kiến thức vững chắc về bệnh ở trẻ cũng sẽ giúp tránh được các ảnh hưởng xấu lên sức khỏe của con. Trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy trẻ, nếu nhận thấy điều bất thường hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được chuẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hiền Anh tổng hợp