1. Thủy đậu là gì?
- Thủy đậu hay còn gọi là trái rạ. Đây là bệnh do virus gây ra. Bệnh lây truyền rất nhanh, ảnh hưởng đến da và niêm mạc.
- Tuy thủy đậu chỉ mắc một lần trong đời, nhưng nếu gặp trường hợp hệ miễn dịch yếu, thủy đậu có thể tái phát trở lại, gọi là bệnh zona (tái kích hoạt virus thủy đậu).
- Bệnh xảy ra ở hầu hết mọi người bất kể giới tính và tuổi tác. Tuy nhiên bệnh thường xuất hiện ở trẻ em, từ 2 đến 8 tuổi. Bệnh thủy đậu người lớn thường nặng và kéo dài lâu hơn.
- Bạn nên tiêm phòng để tránh bị bệnh thủy đậu, đồng thời phòng ngừa được bệnh zona.
- Mặc dù thủy đậu là bệnh lành tính nhưng bệnh có khả năng gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não và có thể để lại sẹo nếu bị nhiễm trùng.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu là do virus mụn rộp varicella – zoster. Đây là loại virus gây ra các chứng bệnh thủy đậu, zona, chốc lở… và có khả năng lây lan nhanh bằng nhiều cách khác nhau. Bệnh lây nhiễm bằng các con đường:
- Nếu như bạn ở gần người mắc bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với chỗ rộp da trên người mắc bệnh thì bạn có thể bị lây bệnh.
- Người chưa có kháng thể miễn dịch với virus Varicella Zoster có thể bị lây nhiễm qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh.
- Do virus sẽ đi theo các bọt nước trong khoang miệng bệnh nhân thủy đậu lúc ho, hắt hơi, nói chuyện… lẫn vào trong không khí.
- Sử dụng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, ăn uống chung… với người bệnh.
- Chạm phải chất dịch ở trong các nốt bong bóng nước trên da bệnh nhân thủy đậu. Tiếp xúc với quần áo, khăn mặt, vật dụng làm việc có dính chất dịch từ da bệnh nhân thủy đậu.
Những nguy cơ mắc bệnh thủy đậu:
- Chưa từng bị thủy đậu.
- Không được tiêm phòng bệnh thủy đậu.
- Làm việc hoặc có mặt ở trường học, nhà trẻ.
- Sống chung với trẻ em.
3. Triệu chứng của bệnh thủy đậu
3.1. Những triệu chứng thường gặp
- Các triệu chứng thường xuất hiện từ 7 – 21 ngày. Bao gồm sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhẹ, đau đầu, mệt mỏi và chán ăn.
- Các chấm đỏ sẽ xuất hiện trên cơ thể trong 2 – 3 ngày rồi trở thành mẩn ngứa. Từ đó hình thành nên những chỗ rộp dần dần khô và đóng vảy từ 4 – 5 ngày.
- Miệng, tai và mắt cũng có thể xuất hiện những chỗ loét.
- Có thể xuất hiện hạch sau dái tai, cổ do hệ miễn dịch sinh ra phản ứng với loại virus lạ xâm nhập.
3.2. Những triệu chứng nguy hiểm
- Các nốt ban lan rộng ở một hoặc cả hai mắt.
- Các nốt ban rất đỏ, cảm giác nóng hoặc nhạy cảm. Đây có thể đó là dấu hiệu của việc da bị nhiễm trùng.
- Phát ban kèm theo chóng mặt, mất phương hướng, nhịp tim nhanh, khó thở, run rẩy, ho nặng, nôn mửa, cứng cổ hoặc sốt cao hơn 39,4 độ C.
- Khi có bất cứ người nào trong gia đình có miễn dịch yếu hoặc có trẻ em dưới 6 tháng tuổi.
4. Điều trị bệnh thủy đậu
- Nếu là trẻ em khỏe mạnh không cần dùng thuốc mà vẫn có thể giảm bệnh. Các thuốc giảm sốt không chứa aspirin có thể làm giảm triệu chứng sốt ở trẻ. Không được cho trẻ bị thủy đậu dùng aspirin.
- Thuốc kem thoa trị dị ứng như calamine và sữa tắm bột yến mạch có thể làm giảm ngứa.
- Bạn nên uống nhiều nước và nghỉ ngơi.
- Để ngăn ngừa lây lan bệnh thủy đậu, hãy giữ trẻ cách xa người khác cho tới khi các nốt rộp đóng vảy cứng.
- Những người có nguy cơ nhiễm trùng cao và bị suy giảm hệ miễn dịch có thể dùng thuốc kháng virus để giảm biến chứng từ bệnh thủy đậu.
- Dùng thuốc trị dị ứng và tắm bằng bọt biển mát để giảm ngứa.
- Nếu nhiệt độ cơ thể cao hơn 38 độ C hoặc khi bạn cảm thấy yếu ớt, đau đầu hoặc nhạy cảm với ánh sáng thì nên đến gặp bác sĩ.
- Sử dụng dung dịch thuốc tím bôi lên các nốt mụn nước để kháng viêm, nhiễm trùng.
- Nếu mụn nước bị vỡ, tiếp tục sử dụng dung dịch xanh methylen, không nên dùng các loại thuốc vôi mỡ tetraxiclin, mỡ penixilin hay thuốc đỏ.
- Nhỏ mắt ngày 2-3 lần dung dịch sát khuẩn cho mắt, mũi như chloramphenicol 0,4% hoặc acgyrol 1%.
5. Cách chăm sóc người bệnh
5.1. Chế độ sinh hoạt
- Rửa tay thường xuyên, giặt khăn trải giường và quần áo mới mặc bằng nước xà phòng.
- Cắt móng tay thường xuyên để tránh làm trầy xước và nhiễm trùng.
- Nghỉ ngơi nhưng nên vận động nhẹ.
- Đảm bảo xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung thêm nhiều loại rau tươi, trái cây trong các bữa ăn hằng ngày.
- Thông báo cho y tá và các bậc phụ huynh ở trường do có khả năng bị lây nhiễm.
- Tăng cường cung cấp vitamin A, C và bio – flavonoid bằng các loại rau củ như cải bắp, cà rốt, dưa chuột, bông cải, giá sống… để hỗ trợ làm lành nhanh các nốt mụn nước thủy đậu.
- Mặc các loại quần áo rộng rãi, nhẹ, mỏng để tránh ảnh hưởng đến các nốt mụn nước.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu kẽm, magie, canxi… để kích thích hệ miễn dịch.
- Nên ăn các dạng thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa, vị thanh đạm.
- Đã có vắc xin ngừa thủy đậu dành cho người chưa từng mắc bệnh.
5.2. Bệnh thủy đậu kiêng gì?
- Cần phải tránh xa những thực phẩm có thể kích thích vết loét, làm chậm quá trình lành vết thương hoặc thậm chí khiến tình trạng bệnh trở nặng hơn.
- Kiêng tiếp xúc với nhiều người vì đây là bệnh truyền nhiễm với nhiều cách lây truyền khác nhau. Vì vậy, việc tiếp xúc nhiều người sẽ khiến virus gây bệnh lây lan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở những người xung quanh.
- Không chạm, gãi hoặc làm vỡ các nốt thủy đậu. Thủy đậu có dạng mụn nước. Khi mụn nước vỡ, các nốt thủy đậu có thể lây lan nhiều hơn, làm tổn thương da nghiêm trọng.
- Không tiếp xúc với gió, nước. Nếu bạn tiếp xúc với gió, nước, sẽ tạo điều kiện cho các loại virus xâm nhập vào cơ thể.
- Không ăn thực phẩm tanh (thịt bò, thịt gà, hải sản,…), trái cây có chứa axit, đồ ăn cay nóng, đồ ăn mặn, nhiều dầu mỡ, sữa và các chế phẩm từ sữa, cà phê và socola.
- Không dùng sữa, phô mai, kem, bơ có thể khiến da bị nhờn, ngứa.
- Không dùng cam, chanh, cà phê, sô cô la bởi tính axit cao của 2 loại quả này có thể gây ngứa.
- Tránh các món ăn làm từ nếp như xôi, bánh chưng… bởi có thể làm sưng, mưng mủ các nốt thủy đậu nhiều hơn.
- Không ăn đậu phộng, các loại hạt, nho khô… bởi hàm lượng arginine cao có thể khiến virus thủy đậu phát triển nhiều hơn.
6. Những biến chứng bệnh thủy đậu
6.1. Biến chứng sớm
- Nhiễm trùng da, mô mềm với các tình trạng bội nhiễm bong bóng nước vỡ, lan rộng hay thủy đậu xuất huyết với các nốt mụn nước lớn có mủ máu bên trong.
- Viêm phổi thủy đậu với các biểu hiện ho nhiều, đau tức ngực, khó thở, sốt và thậm chí ho ra máu. Một số trường hợp nguy hiểm có thể dẫn đến tình trạng phù phổi, tràn dịch màng phổi.
- Viêm màng não do cơ thể bị tấn công bởi loại virus tác động trực tiếp đến não bộ. Với các biểu hiện như: Sốt cao, hôn mê, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu, co giật.
- Viêm gan với các biến chứng thường gặp như buồn nôn, khó tiêu, suy giảm hệ miễn dịch…
- Hội chứng Reye xảy ra khi tự ý sử dụng aspirin để điều trị hạ sốt, giảm đau cho trẻ nhỏ. Gây ra những triệu chứng như hôn mê sâu, co giật do phù não, vàng da, gan phình to, xuất huyết nội tạng.
- Biến chứng thủy đậu khi đang mang thai có nguy cơ con sinh ra bị nhiễm thủy đậu và tử vong cao.
6.2. Biến chứng muộn
Những triệu chứng này khá hiếm gặp và chúng thường xuất hiện từ khi lành thủy đậu một thời gian dài. Với các biến chứng: Hội chứng Guillain – Barré, bệnh zona thần kinh, viêm da, viêm võng mạc, viêm phổi.
7. Những lưu ý dành cho bạn
- Bạn nên tiêm phòng vắc xin để tạo ra kháng thể chống virus hiệu quả hơn.
- Nếu chưa tiêm phòng, bạn nên tiêm vắc xin trong vòng 3 ngày khi tiếp xúc với bệnh nhân để có thể phát huy tác dụng.
- Không tự ý uống thuốc kháng sinh.
- Vắc xin phòng ngừa có tác dụng miễn nhiễm trong thời gian lâu dài gần như suốt đời, tính an toàn cao và ít tác dụng phụ.
- Nên tiêm đầy đủ vắc xin. Mũi thứ nhất tiêm lúc trẻ 1 tuổi và mũi tiêm nhắc lại lúc 4 tuổi.
- Tuyệt đối không dùng kem trị ngứa có chứa Phenol ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và phụ nữ mang thai.
- Lau sàn phòng, bàn ghế, tủ giường, đồ chơi của người bệnh hàng ngày bằng nước Javel, hoặc dung dịch Cloramin B, sau đó rửa lại bằng nước sạch.
- Không tiêm vắc xin thuỷ đậu cho phụ nữ đang mang thai.
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 đến 49 tuổi) nên tiêm vắc xin thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng.
Người bị thủy đậu nếu không được chăm sóc và chữa trị đúng cách có thể bị biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy hy vọng qua bài viết này có thể cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe của bạn và cả gia đình.
Chi Lê tổng hợp