1. Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt là giai đoạn sinh lý đánh dấu sự trưởng thành của phái nữ, khẳng định sự hoàn thiện của chức năng sinh sản. Cụ thể hơn đây là tình trạng xuất huyết của tử cung một cách có chu kỳ. Ở phụ nữ, giai đoạn này xảy ra hàng tháng từ thời kỳ dậy thì đến thời kỳ mãn kinh (thông thường xảy ra ở phụ nữ từ 12 – 55 tuổi). Vì có tính lặp đi lặp lại mỗi tháng nên được gọi là chu kỳ hay vòng kinh. Thông thường một chu kỳ kinh nguyệt lặp lại sau 28 hoặc 30 ngày, thời gian chảy máu thường là từ 5-7 ngày. Tùy vào cơ địa của mỗi người mà thời gian của một vòng chu kỳ kinh nguyệt và thời gian chảy máu sẽ khác nhau.
2. Vòng chu kỳ kinh nguyệt
2.1. Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ
- Đến giai đoạn dậy thì, hệ hormon sinh dục nữ được tăng cường. Đây là tín hiệu điều khiển các cơ quan sinh sản, cao nhất là buồng trứng. Dưới tác động của hormon sinh dục, trứng từ buồng trứng chín và rụng. Cùng lúc này tử cung được tập trung dinh dưỡng tạo thành lớp nội mạc (gồm các tế bào máu mang dinh dưỡng) bao phủ lên bề mặt tử cung để chuẩn bị cho bào thai (trứng đã được thụ tinh) làm tổ và nuôi thai sau này.
- Trong trường hợp thụ tinh không diễn ra, tử cung sẽ co bóp để loại bỏ lớp nội mạc ra ngoài. Lớp nội mạc bong ra sẽ hình thành máu kinh. Lúc này cũng là lúc cơ thể bắt đầu một chu kỳ kinh nguyệt. Như vậy, giai đoạn nguyệt san chính là sự loại bỏ lớp nội mạc tử cung ra ngoài cơ thể qua con đường âm đạo.
2.2. Chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên
- Khi các bạn nữ bước vào giai đoạn dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên sẽ xuất hiện. Máu chảy ra từ vùng kín có thể sẽ khiến bạn bất ngờ, thậm chí là lo sợ. Tuy nhiên, đây là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể.
- Điều này cũng chứng tỏ bạn đã bước vào giai đoạn trưởng thành, mọi chức năng sinh sản vẫn hoạt động bình thường và không mắc những bệnh bẩm sinh liên quan đến hệ sinh sản.
- Thông thường trong vòng 2 năm đầu tiên chu kỳ kinh nguyệt sẽ không ổn định bởi hệ sinh sản cần thời gian để hoàn thiện và ổn định. Trong giai đoạn này, nội tiết tố nữ tăng giảm sẽ xảy ra các hiện tượng hành kinh không đúng ngày, chậm kinh, rong kinh,… Các bạn cũng đừng quá lo lắng bởi những tình trạng này sẽ ổn định sau 2-3 năm sau đó.
2.3. Chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng
- Rất khó để xác định đâu là chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể dự đoán được giai đoạn kinh nguyệt sắp kết thúc. Đó là vào khoảng độ tuổi từ 50-60 tuổi, giai đoạn này còn được gọi là thời kỳ tiền mãn kinh.
- Tiền mãn kinh là giai đoạn các nội tiết tố nữ sụt giảm nghiêm trọng, buồng trứng không còn hoạt động tốt và cơ chế điều hòa kinh nguyệt cũng sắp kết thúc. Vì những lý do trên khiến kinh nguyệt không đều và kéo dài nhiều ngày. Trong giai đoạn này chu kỳ kinh nguyệt không đều, vòng kinh thay đổi liên tục, có thể mất một thời gian lại có. Những tình trạng này kéo dài một thời gian cho tới khi mất hẳn kinh nguyệt.
- Giai đoạn tiền mãn kinh là bước ngoặt đánh dấu người phụ nữ không còn khả năng sinh sản. Đây là hiện tượng sinh lý tự nhiên khó tránh được. Cuối giai đoạn này, buồng trứng sẽ bị teo nhỏ, xơ hóa và mất chức năng nội tiết.
- Đồng thời, đây là giai đoạn phụ nữ rất dễ mắc bệnh vì buồng trứng đã bị xơ hoá, cơ thể giảm lượng lớn nội tiết tố nữ gây ra nhiều nguy cơ bệnh tật khác nhau. Ngoài ra, còn xảy ra hiện tượng lão hóa toàn diện ở người phụ nữ. Chị em sẽ đối mặt với sự xuống cấp rất lớn về nhan sắc, tâm sinh lý cũng như sức khỏe.
3. Dấu hiệu nhận biết ngày kinh nguyệt đang đến gần
Nếu như nhận biết được các dấu hiệu sắp có kinh nguyệt sẽ giúp chúng ta có thời gian để chuẩn bị và chăm sóc bản thân tốt hơn. Sau đây là một số dấu hiệu sắp đến thời kỳ nguyệt san mà chị em cần tham khảo và lưu ý:
3.1. Căng tức ngực, kích thước ngực có thay đổi nhỏ
Khoảng 1 tuần trước khi hành kinh, bầu ngực có dấu hiệu căng tức. Nguyên nhân là do nồng độ hormone trong cơ thể có sự thay đổi để chuẩn bị cho chu kỳ kinh nguyệt sắp tới.
3.2. Đau bụng dưới, nhức mỏi lưng
Đây là những dấu hiệu phổ biến thường xuất hiện trước ngày “đèn đỏ” từ 1-2 ngày. Nguyên nhân do các hormone sinh dục nữ tiết ra nhiều khiến tử cung co thắt và gây đau vùng bụng dưới. Đồng thời cũng là nguyên nhân gây đau vùng bụng trên.
3.3. Khí hư ra nhiều
Khi gần đến ngày “đèn đỏ”, lượng hormone estrogen ở nữ giới sẽ nhiều hơn bình thường. Điều này khiến khí hư ra nhiều hơn, “cô bé” trở nên ẩm ướt hơn.
3.4. Thèm ăn nhiều thứ hơn bình thường
Nếu có cảm giác thèm ăn mãnh liệt hơn bình thường, đặc biết thèm ăn vặt như bánh kẹo, socola, trái cây,… thì rất có thể đây là dấu hiệu báo hiệu bạn chuẩn bị có kinh nguyệt.
3.5. Cơ thể hay mệt mỏi, cảm xúc thay đổi thất thường
Do hormone tăng cao đột ngột nên cơ thể rất dễ bị mệt mỏi, tâm trạng không thể ổn định được lâu. Đặc biệt trong giai đoạn kinh nguyệt, do cơ thể mất đi lượng máu tương đối nhiều nên cơ thể lại càng mệt mỏi. Ngoài ra, chị em cũng rất dễ bực bội, khó chịu và hay cáu gắt trong những ngày này.
3.6. Da nhờn, nổi nhiều mụn
Trước hành kinh một tuần, do lượng hormone tăng cao kích thích da tiết nhiều bã nhờn và làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Đây cũng là nguyên nhân chính gây nổi mụn khi chuẩn bị có kinh.
3.7. Rối loạn tiêu hóa
Ngoài những dấu hiệu kể trên thì trước ngày kinh khoảng 1 tuầncon gái cũng dễ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa. Chẳng hạn như đầy hơi, đầy bụng, buồn nôn hay thậm chí táo bón hay tiêu chảy.
4. Dựa vào chu kỳ kinh nguyệt để thụ thai và tránh thai
Việc nắm rõ chu kỳ kinh nguyệt sẽ giúp chị em phụ nữ xác định chính xác vòng kinh và ngày rụng trứng của mình. Qua đó có thể tính được ngày thụ thai và tránh thai an toàn. Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài từ 28 – 32 ngày thì thời điểm rụng trứng thường rơi vào ngày giữa tháng, tức là ngày thứ 14, 15 của chu kỳ. Thường thì chu kì kinh nguyệt của bạn gái sẽ được chia thành 3 thời điểm: Thời điểm an toàn tương đối, thời điểm an toàn tuyệt đối và thời điểm nguy hiểm.
4.1. Thời điểm an toàn tương đối
- Thời gian: Ngày thứ nhất của chu kỳ kinh nguyệt (ngày bắt đầu hành kinh) đến ngày thứ 9 của vòng kinh.
- Hiệu quả: Nếu bạn gái quan hệ trong thời gian này thì khả năng có thai vẫn có thể xảy ra, dù tỉ lệ rất thấp. Nếu bạn gái không muốn có thai thì vẫn nên dùng bao cao su khi quan hệ để phòng tránh viêm nhiễm phụ khoa và các bệnh lây qua đường tình dục.
4.2. Thời điểm nguy hiểm
- Thời gian: Tính từ ngày rụng trứng cộng trừ thêm 5 ngày trước và sau. Với một chu kỳ kinh nguyệt chuẩn là 28 ngày thì ngày rụng trứng sẽ là ngày thứ 14. Cho nên thời điểm nguy hiểm là ngày thứ 10 đến ngày thứ 20 của kỳ kinh.
- Hiệu quả: Nếu quan hệ trong thời gian này thì tỉ lệ có thai sẽ rất cao, hơn 90%. Do đó, nếu bạn gái chưa sẵn sàng tinh thần làm mẹ thì nên sử dụng bao cao su khi quan hệ.
4.3. Thời điểm an toàn tuyệt đối
- Thời gian: Từ ngày thứ 20 đến ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt.
- Hiệu quả: Thời điểm này trứng đã rụng nên khả năng bạn gái thụ thai sẽ không xảy ra.
Việc dựa vào chu kỳ kinh nguyệt để thụ thai và tránh thai chỉ nên áp dụng với những chị em phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều, không mắc bệnh phụ khoa. Vì trên thực tế, kinh nguyệt thường dao động bất thường, có thể chậm vài ngày. Thậm chí một tuần, nửa tháng nếu gặp căng thẳng về tinh thần, dẫn đến vòng kinh không đều, ngày rụng trứng không chính xác. Điều này khiến cho hiệu quả của phương pháp tránh thai này còn gặp nhiều hạn chế.
5. Hiện tượng đau bụng kinh
Đau bụng kinh (hay còn gọi là thống kinh) là hiện tượng thường gặp trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Những đối tượng thường bị đau bụng kinh trong những ngày “đèn đỏ” thường là những cô gái trẻ, chưa sinh con hoặc đang trong độ tuổi dậy thì. Để biết chi tiết hơn về đau bụng kinh và những điều xung quanh nó, chị em hãy tham khảo những thông tin hữu ích dưới đây nhé!
5.1. Đau bụng kinh là gì?
- Đau bụng kinh là triệu chứng khá phổ biến, xuất hiện trước và trong chu kỳ kinh nguyệt. Hầu hết đa số chị em phụ nữ đã từng ít nhất trải qua đau bụng kinh một vài lần. Đây là cơn đau quặn thắt và co rút ở vùng bụng dưới, có thể lan ra sau lưng và xuống hai đùi.
- Cơn đau có lúc rất dữ dội, có lúc chỉ đau nhói một chút ở bụng. Đau bụng kinh có thể không giống nhau ở các lần kinh nguyệt. Có lần hành kinh không gây đau chỉ gây ra khó chịu một chút. Nhưng lại có những chu kỳ gây đau dữ dội.
- Đồng thời, đau bụng kinh có thể là một hiện tượng hoàn toàn bình thường với phụ nữ. Tuy nhiên, cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số căn bệnh phụ khoa nguy hiểm như: Ung thư cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung,ung thư buồng trứng… Nên chị em cũng cần lưu ý.
5.2. Triệu chứng thường gặp
- Triệu chứng thường gặp nhất của đau bụng kinh đó chính là đau thắt vùng bụng dưới. Có thể xuất hiện vào trước chu kỳ kinh nguyệt. Đau bụng kinh thường kéo dài trong khoảng 48 – 72h, nhưng vẫn có một số trường hợp kéo dài hơn. Đau nhiều nhất vào ngày lượng máu kinh nhiều nhất và sau đó giảm dần. Do vậy, chị em bị đau bụng kinh sẽ luôn cảm thấy khó chịu, đau âm ỉ, thậm chí đau cả sang lưng.
- Ngoài ra, ở một số người còn có thể có các triệu chứng như đi phân lỏng, buồn nôn, chóng mặt,… Khi bị đau bụng kinh, người phụ nữ thường rất khó chịu và hầu như không thể đi đứng, ngồi, sinh hoạt và ăn uống như bình thường.
5.3. Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đau bụng kinh ở phụ nữ, sau đây là một số nguyên nhân phổ biến:
- Tử cung nhỏ nên khi bị chèn ép bởi lớp niêm mạc dày trong ngày hành kinh khiến các mạch máu bị siết chặt gây đau.
- Lạc nội mạc tử cung. Tình trạng phần niêm mạc bên trong lạc ra khỏi tử cung và vẫn tiếp tục phát triển khiến máu kinh không được lưu thông, dễ gây ứ tắc. Đồng thời, mạch máu chịu áp lực lớn gây nên những cơn đau..
- Viêm vùng chậu. Các vi khuẩn, tạp khuẩn ở phần viêm âm đạo tấn công và làm tổn thương phần trên của bộ phận sinh dục nữ như buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung. Từ đó gây ra hiện tượng đau, thường ở phần bụng dưới.
- U xơ tử cung, u nang buồng trứng. Những khối u này ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu tới các bộ phận, tắc nghẽn mạch máu và khiến người bệnh phải chịu đựng những cơn đau dữ dội.
- Do di truyền từ mẹ sang con: Đây là vấn đề có liên quan đến cấu trúc gen và nội tiết tố, không quá đáng ngại.
- Do ăn uống, nghỉ ngơi không khoa học, các cơ quan chức năng hoạt động kém.
- Do lạm dụng các biện pháp tránh thai như đặt vòng, thuốc tránh thai,…khiến các bộ phận sinh dục bị tổn thương.
5.4. Nên làm gì khi bị đau bụng kinh?
Cứ 10 người phụ nữ thì có tới 9 người thường bị đau bụng kinh trong chu kỳ kinh nguyệt. Đây là một hiện tượng thường gặp nhưng lại khiến chị em rất khó chịu và khổ sở. Để tạm thời đẩy lùi hiện tượng đau bụng kinh các chị em có thể tham khảo một số cách dưới đây:
- Chườm nóng: Đặt một túi chườm nước nóng lên vùng bụng dưới giúp làm giãn nở tử cung, sẽ khiến máu lưu thông tốt. Nhờ đó giúp cải thiện cơn đau nhanh chóng.
- Massage bụng: Massage theo hình vòng tròn, làm ấm bụng, giúp giảm co thắt tử cung và giảm đau tức thì.
- Nghỉ ngơi: Không vận động mạnh, giữ ấm để việc tuần hoàn máu tốt hơn.
- Ăn uống đầy đủ: Bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt là các thực phẩm chứa nhiều khoáng chất và bổ máu. Hạn chế ăn đồ cay nóng.
- Sử dụng thuốc giảm đau: Để nhanh chóng thoát khỏi cơn đau dữ dội.
6. Rối loạn kinh nguyệt và những điều cần biết
Kinh nguyệt thường có chu kỳ, số lượng và đặc điểm nhất định tùy vào cơ địa mỗi người. Tuy nhiên, rối loạn kinh nguyệt hay các triệu chứng khó chịu là các vấn đề mà bất cứ chị em phụ nữ nào cũng gặp phải khi đến chu kỳ kinh nguyệt. Rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ở bạn gái tuổi dậy thì hoặc trong độ tuổi tiền mãn kinh. Nguyên nhân có thể do rối loạn nội tiết, tuy nhiên cũng có những rối loạn kinh nguyệt là dấu hiệu bất thường cảnh báo những bệnh nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu kỹ về tình trạng rối loạn kinh nguyệt này nhé!
6.1. Rối loạn kinh nguyệt là gì?
Rối loạn kinh nguyệt là những biểu hiện bất thường về vòng kinh, số ngày có kinh và lượng máu kinh so với những vòng kinh trước đó. Đây có thể là triệu chứng của một bệnh lý nào đó hoặc có thể do nội tiết. Đôi khi cũng có thể là do thay đổi điều kiện hay môi trường sống. Rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau: độ tuổi dậy thì, sinh con, tiền mãn kinh… gây ảnh hưởng tới sức khỏe, khả năng sinh lý và chức năng sinh sản của chị em phụ nữ nếu không được chữa trị kịp thời.
6.2. Biểu hiện
Những biểu hiện bất thường về chu kỳ hành kinh không nhất thiết lúc nào cũng là dấu hiệu bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên lưu ý khi gặp một số biểu hiện bất thường của rối loạn kinh nguyệt. Một số biểu hiện thường gặp của rối loạn kinh nguyệt như sau.
Bất thường về chu kỳ kinh
Vòng kinh dài trên 35 ngày (kinh thưa) hay ngắn dưới 22 ngày (kinh mau) hoặc thậm chí là không có kinh từ 6 tháng trở lên (vô kinh).
Bất thường về máu kinh
Bao gồm những thay đổi đột ngột về số lượng và ngày có kinh:
- Cường kinh: còn gọi là băng kinh, lượng máu kinh nhiều hơn 20ml/kỳ.
- Thiểu kinh: số ngày có kinh ít hơn ngày và lượng máu kinh ít hơn 20ml/kỳ.
- Rong kinh: số ngày có kinh nhiều hơn 7 ngày.
- Máu kinh: Màu đỏ thẫm, có mùi hơi tanh, không đông. Nếu máu kinh có lẫn máu cục, màu đỏ tươi hay hồng nhạt là bất thường.
Các triệu chứng bất thường khác
Trong đó số những bất thường về kinh nguyệt, thống kinh là hiện tượng phổ biến nhất. Thường có triệu chứng đau bụng dưới khi hành kinh. Nếu đau, cơn đau có thể xuyên ra cột sống, lan xuống đùi và lan ra toàn bụng. Ngoài ra có các triệu chứng như đau lưng kèm theo tức ngực, căng vú, buồn nôn, dễ xúc động, ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động.
6.3. Nguyên nhân
Tình trạng rối loạn kinh nguyệt xảy ra ở nhiều người. Nhưng không phải ai cũng biết được nguyên nhân, hay không phải lúc nào cũng do một nguyên nhân duy nhất. Dưới đây là một số nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt thường gặp:
6.3.1. Do ảnh hưởng của nội tiết tố
Độ tuổi dậy thì, mãn kinh, mang thai, sinh con, và cho con bú là những giai đoạn mà sự cân bằng nội tiết tố thường bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến kinh nguyệt. Cụ thể như sau:
- Ở tuổi dậy thì: Cơ thể trải qua những thay đổi lớn. Có thể mất vài năm để estrogen và progesterone đạt được sự cân bằng. Trong thời điểm này, tình trạng bất thường của kinh nguyệt xảy ra rất phổ biến.
- Giai đoạn tiền mãn kinh: Buồng trứng suy giảm, các nội tiết tố nữ thay đổi làm chu kỳ và lượng máu kinh thay đổi.
- Thời kỳ mãn kinh: Tính từ 12 tháng kể từ chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của người phụ nữ. Sau thời kỳ mãn kinh, chị em phụ nữ sẽ không còn vòng kinh nữa.
- Trong thời gian mang thai: Kinh nguyệt chấm dứt. Hầu hết phụ nữ không có kinh trong khi cho con bú.
6.3.2. Nguyên nhân thực thể
- Thai nghén bất thường: Chửa ngoài tử cung, dọa sảy thai..
- Tổn thương thực thể của cổ tử cung – polyp cổ tử cung – polyp buồng tử cung – u xơ tử cung, quá sản nội mạc tử cung, ung thư niêm mạc tử cung, ung thư cổ tử cung, buồng trứng đa nang…
- U tuyến yên, bệnh lý tuyến giáp, tiểu đường.
- Nhiễm khuẩn: viêm nhiễm đường sinh dục, viêm niêm mạc tử cung.
6.3.3. Thay đổi điều kiện sống, thói quen sinh hoạt
Kinh nguyệt do cơ chế nội tiết – thần kinh điều chỉnh. Vì vậy khi thay đổi môi trường sống như chuyển vùng, thay đổi công việc. Bên cạnh đó, bị áp lực học tập, gia đình hay công việc làm cho người phụ nữ chán nản hay buồn rầu. Đây cũng là nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt.
6.3.4. Một số nguyên nhân khác
- Vận động quá mức: cũng làm tăng lượng kinh và kéo dài ngày hành kinh.
- Chế độ dinh dưỡng: Thay đổi chế độ ăn uống, tăng cân hoặc giảm cân quá mức cũng làm rối loạn kinh nguyệt.
- Một số thuốc gây rối loạn kinh nguyệt, đặc biệt là thuốc tránh thai, thuốc điều trị tiểu đường, cao huyết áp.
6.4. Những tác hại do rối loạn kinh nguyệt gây ra
- Thiếu máu: lượng kinh ra nhiều và kéo dài sẽ dẫn đến thiếu máu, chóng mặt, mệt mỏi, da xanh xao, tim loạn nhịp,…
- Nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa như: Viêm âm đạo, u màng trong tử cung, viêm buồng trứng,…
- Nguy cơ vô sinh: Thời điểm rụng trứng không thường xuyên, hay viêm nhiễm gây tắc vòi tử cung sẽ khiến bạn khó mang thai hơn.
- Ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục: Rối loạn kinh nguyệt phần nào khiến việc quan hệ của bạn cũng trở nên thất thường hơn.
- Ảnh hưởng đến nhan sắc phụ nữ: Việc rối loạn các hormone Estrogen và Progesteron sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhan sắc, làm khí huyết lưu thông kém khiến da kém mịn màng, khiến dễ cáu gắt, nóng tính…
- Bệnh lý nguy hiểm: một số trường hợp rối loạn kinh nguyệt là biểu hiện những bệnh lý như chửa ngoài tử cung, ung thư niêm mạc tử cung… Sẽ rất nguy hiểm nếu bạn đi khám muộn.
6.5. Cách điều trị
Sau đây là một số gợi ý giúp chị em phụ nữ cải thiện những triệu chứng rối loạn kinh nguyệt cơ năng:
- Cải thiện chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày
Hãy điều chỉnh chế độ ăn uống và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Tập thể dục thể thao thường xuyên, mỗi sáng từ 15 – 30 phút cũng có thể đẩy lùi chứng rối loạn kinh nguyệt.
- Giữ tâm lý thật thoải mái
Cố gắng làm việc và sinh hoạt trong môi trường sạch sẽ, trong lành và ít căng thẳng nhất có thể. Hãy tập nghĩ đến những điều vui vẻ, tích cực hằng ngày. Bạn cũng có thể nghe nhạc hoặc trò chuyện với bạn bè để thư giãn đầu óc.
- Không nên lạm dụng thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Vì vậy, các chị em nên tư vấn bác sĩ nếu muốn sử dụng thuốc tránh thai. Ngoài ra còn có nhiều phương pháp tránh thai khác để chị em có thể lựa chọn.
- Hạn chế sử dụng chất kích thích
Sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá gây ảnh hưởng đến nội tiết, rối loạn kinh nguyệt. Vì vậy, hãy cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất nhé!
7. Chu kỳ kinh nguyệt và 7 câu hỏi phổ biến
7.1. Quan hệ vào ngày đèn đỏ có thai không?
- Mọi người thường nghĩ rằng quan hệ trong những ngày “đèn đỏ”” sẽ không thể mang thai. Tuy nhiên điều này là không chính xác, bạn vẫn có thể có thai trong những ngày có kinh, dù khả năng là thấp. Đặc biệt ở những phụ nữ có vòng kinh không đều thì khả năng có thai trong những ngày có kinh lại càng cao hơn.chưa chắc đã đúng.
- Theo các nghiên cứu thì tinh trùng có thể sống được trong môi trường âm đạo tới 3 ngày. Bởi vậy, bạn vẫn hoàn toàn có khả năng thụ thai khi quan hệ tình dục trong chu kỳ kinh nguyệt. Hãy sử dụng bao cao su hoặc biện pháp tránh thai khác để tránh mang thai ngoài ý muốn, bất kể thời điểm nào.
7.2. Lượng máu mất đi trong một chu kỳ kinh nguyệt là bao nhiêu?
Thông thường, kinh nguyệt thường ra nhiều ở ngày thứ nhât đến ngày thứ 3 và ít dần đi cho đến khi hết kinh. Ước tính lượng máu trung bình mất đi của mỗi chu kỳ kinh nguyệt thường dao động trong khoảng trên dưới 150ml (khoảng 3 muỗng canh). Lượng máu này có tính cả các cục máu đông. Nếu bạn nhận thấy lượng kinh của mình bỗng nhiên nhiều hơn lượng trung bình này thì cần phải đi khám bác sĩ nhé!
7.3. Tổng số ngày kinh nguyệt mà một người phụ nữ phải trải qua?
Chu kỳ kinh nguyệt có thể khác nhau đối với mỗi phụ nữ. 28 ngày được coi là số ngày trung bình của một vòng kinh. Tuy nhiên một kỳ kinh có thể dao động giữa 21 và 35 ngày. Một kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài nhiều nhất khoảng 7 ngày. Theo ước tính, tổng số ngày kinh nguyệt mà một người phụ nữ phải trải qua có thể lên đến 3.500 ngày, tương ứng khoảng với khoảng thời gian 10 năm.
7.4. Những sản phẩm tiện dụng cho ngày kinh nguyệt là gì?
- Bên cạnh băng vệ sinh và tampon, còn có nhiều lựa chọn khác khi đến ngày “đèn đỏ”. Trong số đó phải kể đến cốc nguyệt san. Đây là một loại cốc nhỏ giống hình chiếc chuông làm từ latex hoặc silicone được đưa vào âm đạo để chứa kinh nguyệt.
- Ngoài ra còn có quần lót thay băng vệ sinh. Đây là sản phẩm siêu thấm, có thể dùng vào những ngày ngoài kỳ kinh. Hoặc kết hợp với một tampon trong kỳ kinh nguyệt. Đặc biệt, quần lót này có thể giặt và mặc lại được.
- Một ưu điểm dễ thấy của những sản phẩm này là tiết kiệm chi phí. Do bạn có thể tái sử dụng chúng và cũng tạo ra ít chất thải ra môi trường hơn. Tuy nhiên, tùy vào đặc tính của mỗi sản phẩm mà có cách sử dụng khác nhau. Chẳng hạn, bạn cần thay tampon sau mỗi 4 đến 8 tiếng. Đối với cốc nguyệt san thì có thể sử dụng tới 12 tiếng.
7.5. Chu kỳ kinh nguyệt giả là gì?
- Bạn có thể ra máu suốt một tuần khi uống thuốc tránh thai. Tuy nhiên, đó không phải chu kỳ kinh nguyệt. Thông thường chị em sẽ rụng trứng vào giữa chu kỳ kinh nguyệt. Nếu trứng không được thụ tinh, lượng hormone giảm, lớp nội mạc tử cung bong ra dẫn đến chảy máu. Đó chính là chu kỳ kinh nguyệt thông thường của bạn.
- Trong khi đó, thuốc tránh thai ngăn cản sự rụng trứng. Phần lớn thuốc tránh thai uống liên tục 3 tuần, sau đó nghỉ một tuần. Thuốc ngăn cản sự rụng trứng của cơ thể. Tuy nhiên lại không ngăn được hình thành lớp nội mạc trong mặt tử cung hàng tháng. Việc chảy máu vào tuần thứ 4 giống phản ứng của cơ thể với tình trạng thiếu hormone vào những tuần uống thuốc trước đó.
7.6. Mùi hương của phụ nữ vào ngày kinh nguyệt có gì khác?
- Nồng độ testosterone của đàn ông sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mùi hương của phụ nữ. Đồng thời mùi hương tự nhiên này sẽ thay đổi khi phụ nữ đang trong thời kỳ “đèn đỏ”.
- Một nghiên cứu đã được thực hiện bằng cách cho đàn ông ngửi áo phông của phụ nữ ở thời điểm đang rụng trứng và không trong giai đoạn rụng trứng. Nghiên cứu cho thấy, nồng độ testosterone của đàn ông tăng đột biến khi gửi áo phông của người phụ nữ trong thời kỳ rụng trứng. Trong khi đó, độ testosterone của nam giới sẽ giảm đi khi ngửi áo thun của những người phụ nữ không trong giai đoạn này.
- Từ nghiên cứu này, chúng ta có thể kết luận rằng mùi hương tự nhiên trên cơ thể của phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt hấp dẫn hơn so với những ngày bình thường.
7.7. Tại sao vào ngày kinh nguyệt phụ nữ ham muốn hơn?
- Hormon progresterone là một trong những hormone kích thích và điều hòa nhiều chức năng của cơ thể. Nó có vai trò trong việc duy trì thai kỳ, đồng thời được xem là nguyên nhân chính làm giảm ham muốn tình dục của phụ nữ.
- Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh nguyệt, hàm lượng progresterone sẽ tiết ra ít hơn bình thường, nhờ đó mà ham muốn tình dục của phụ nữ cũng tăng mạnh hơn. Thậm chí, tần suất ham muốn trong thời kỳ này của phụ nữ còn cao hơn cả đàn ông.
Trên đây là toàn bộ những thông tin về chu kỳ kinh nguyệt mà List.com.vn chia sẻ tới các chị em. Hi vọng qua bài viết này sẽ giải đáp được những thắc mắc cũng như giúp chị em phụ nữ khám phá nhiều điều thú vị xung quanh “ngày đèn đỏ”. Hãy cũng tham khảo và chia sẻ những thông tin bổ ích trên với bạn bè và người thân nhé!
Thảo Anh tổng hợp