1. Mâm ngũ quả ngày Tết
1.1. Nguồn gốc
- Theo thuyết duy vật cổ đại, thì mọi loại vật chất đều được tạo thành bởi 5 yếu tố là : Kim loại (kim), gỗ (mộc), nước (thủy), lửa (hỏa) và đất (thổ) – gọi là ngũ hành. Tục lệ bày mâm quả với 5 loại khác nhau trên bàn thờ ngày Tết cũng được xuất phát từ quan niệm này.
- Trên mâm quả ngày Tết, gọi là ngũ quả bởi thường bao gồm 5 loại quả khác nhau, con số 5 nhằm thể hiện ước muốn của người Việt Nam là sẽ đạt được ngũ phúc lâm môn: Phú – Quý – Thọ – Khang – Ninh. Ngũ quả còn thể hiện công sức, thành quả của người nông dân sau một năm dài vất vả. Nó là biểu trưng cho sự sung túc, đủ đầy. Dù năm đó làm ăn được ít hay nhiều thì vẫn có mâm ngũ quả trên bàn thờ.
- 5 màu sắc còn mang nghĩa nguồn của cải năm phương mang về để kính lên tiên tổ. Ý nghĩa của từng loại quả được giải thích như sau: Nải chuối có màu xanh tượng trưng Đông phương, quả bưởi có màu vàng tượng trưng Trung phương, quả hồng có màu đỏ tượng trưng Nam phương, còn quả Lê có màu trắng là tượng trưng cho Tây phương, thêm một loại quả có màu sắc sẫm khác là tượng trưng cho Bắc phương.
1.2. Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết
- Mỗi độ Tết đến trên bàn thờ gia tiên của gia đình Việt đều bày biện mâm ngũ quả. Đây là phong tục ngày Tết có từ đâu đời và trở thành nét văn hóa đẹp của người dân Việt Nam.
- Việc bày mâm hoa quả trên bàn thờ ngày Tết mang ý nghĩa nhằm bày tỏ lòng thành kính của con cái đối với các bậc tổ tiên, thể theo đạo lý uống nước nhớ nguồn. Quả cũng là mang ý nghĩa tượng trưng cho thành quả lao động cả năm mà con cháu dâng lên các bậc bề trên.
- Việc lựa chọn 5 loại quả nào để bày lên bàn thờ ngày Tết cũng còn tùy thuộc vào quan niệm cũng như đặc trưng sản vật của mỗi vùng miền. Mỗi loại quả lại có những ý nghĩa riêng thể hiện qua hình dáng, hương vị, màu sắc và cả cách đọc tên.
- Ngày nay khi bày biện mâm ngũ quả cho ngày Tết đã mang nhiều về ý nghĩa trang trí cho không gian xuân chứ không chỉ mang nghĩa tâm linh như phong tục ngày xưa.
1.3. Một số loại quả phổ biến trong mâm ngũ quả
- Chuối xanh: Màu xanh tượng trưng cho hành Mộc. Mang ý nghĩa như bàn tay ngửa để che chở đem lại sự bình an, sung túc, đùm bọc và gắn kết.
- Quả phật thủ: Phật thủ có hình dạng đặc biệt tựa như những bàn tay của Phật, che chở bảo vệ cho gia đình. Phật thủ thường được đặt ở trung tâm, nơi cao nhất trong mâm ngũ quả.
- Cầu: Mãng cầu là sự cầu mong, cầu chúc đầu năm mới.
- Dừa: Cầu mong sự vừa đủ, không túng thiếu và viên mãn trong cuộc sống.
- Quýt/quất: Theo âm Hán của từ “quất” gần giống âm của từ “cát”. Qủa quất xuất hiện ở mâm ngũ quả ý nghĩa mang lại sung túc, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.
- Bưởi: Phúc lộc, viên mãn.
- Xoài: Cầu mong không thiếu thốn.
- Thanh long: Mang ý nghĩa rồng mây hội tụ, tượng trưng cho sự cát tường, thịnh vượng.
- Sung: Với mong muốn có sự sung túc, tròn đầy, sung mãn về sức khỏe, hay tiền bạc
- Đu đủ: Là biểu tượng của đầy đủ, thịnh vượng.
- Lê: Với ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
- Lựu: Qủa nhiều hạt, biểu trưng cho ý nghĩa cho con đàn cháu đống.
- Đào: Thể hiện sự thăng tiến.
- Táo: Phú quý, giàu sang.
- Dưa hấu: Hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.
- Quả trứng gà: Lộc trời cho.
2. Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết
Tết cổ truyền ở 3 miền cũng có nhiều điều khác nhau. Hôm trước List.com.vn đã bật mí cho bạn sự khác nhau ở món ngon ngày Tết của 3 miền. Hôm nay với chủ đề là mâm ngũ quả ngày Tết thì bạn cũng sẽ phát hiện được sự khác nhau trong cách bày trí của mỗi miền đó.
2.1. Mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc
- Miền Bắc rất coi trọng mâm ngũ quả trong ngày Tết, dù nhà giàu hay nhà nghèo thì trên bàn thờ luôn có mâm ngũ quả để dâng lên ông bà tổ tiên. Mâm ngũ quả của người dân miền Bắc thường có năm loại quả là chuối xanh, bưởi (hoặc phật thủ), đào, hồng và quýt. Mỗi loại quả là một ý nghĩa và mong ước riêng của người dân.
- Quả chuối xanh tượng trưng cho hành Mộc được coi là trọng tâm của mâm ngũ quả.
- Quả bưởi hoặc quả phật thủ có màu vàng tượng trưng cho hành Thổ. Loại quả được đặt ở vị trí trung tâm và nằm ngay trong lòng nải chuối. Nhiều gia đình hiện nay dùng quả Phật thủ để thay thế quả bưởi vì nó có mười cánh chụm lại như hình bàn tay Phật.
- Tiếp theo là quả đu đủ, quả sung được đặt trên mâm ngũ quả với ước mong cuộc sống sẽ luôn đầy đủ, sung túc, tránh cảnh bần hàn, khó khăn.
- Bên cạnh đó trên mâm ngũ quả của người dân miền Bắc còn có thêm các loại quả mang các màu biểu tượng cho từng mùa khác nhau và các hành tương ứng như quả có màu đỏ như cam quýt, quả ớt (hành Hỏa), quả roi, mận có màu trắng (hành Kim) hay quả hồng xiêm, nho có màu sẫm (hành Thủy).
- Người miền Bắc thường chọn số trái là số lẻ trong mâm ngũ quả vì quan niệm sẽ mang lại may mắn hơn.
2.2. Mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam
- Với người dân miền Nam họ bày biện mâm ngũ quả theo phát âm của từng trái làm sao để có thể đạt được: Cầu, sung, vừa, đủ, xài tương ứng với năm loại quả là: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài. Bên cạnh đó, để làm đế họ sẽ chọn ba quả dứa (quả thơm) để tạo nên sự chắc chắn.
- Để mâm ngũ quả được đẹp, bạn hãy chọn 3 loại quả to nhất là đu đủ, dừa, xoài lên phía trước. Sau đó, bày những quả còn lại lên trên để tạo thành hình ngọn tháp. Khi chọn mua, bạn nên lựa chọn đu đủ xanh, có những đốm vàng là đẹp nhất. Trong khi đó, xoài nên có màu vàng đẹp, mãng cầu có dáng đẹp.
- Ngoài ra, người miền Nam thường hay quan tâm đến ý nghĩa tên gọi của mỗi loại trái cây. Ví dụ như dưa hấu, có ruột đỏ vỏ xanh thể hiện cho lòng trung nghĩa của người dân miền Nam nên luôn xuất hiện trong mâm ngũ quả. Họ lại khá kỵ quả chuối vì nó có phát âm gần giống “chúi” thể hiện sự nguy khó. Hay quả cam, quýt cũng không được dùng vì có câu quýt làm Cam chịu cũng không tốt. Do đó, bạn sẽ không thấy các loại quả này ở mâm ngũ quả Tết của người miền Nam.
2.3. Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết miền Trung
- Không giống như miền Bắc hay người miền Nam sở hữu nhiều loại trái cây phong phú, đa dạng. Mâm ngũ quả của người dân miền Trung vô cùng đơn giản, ít cầu kỳ hơn 2 miền ở trên. Thường người miền Trung lựa chọn trái cây theo tiêu chí mùa nào thức nấy. Để bày biện được đẹp, những quả to thường nằm ở dưới, những quả nhỏ nằm ở trên vô cùng tươi ngon, đẹp mắt.
- Với người dân miền Trung, họ rất thật thà, chất phác nên cũng không quá câu nề mâm ngũ quả. Chủ yếu là họ dâng sự thành tâm, nhà có gì thì cúng nấy. Miền Trung là nơi có sự giao thoa giữa miền Bắc và miền Nam nên mâm ngũ quả của họ cũng khá đủ đầy.
3. Một số lưu ý khi bày trí mâm ngũ quả
- Nhiều người thường rất hay có thói quen mua trái cây sớm để bày trí mâm ngũ quả ngày tết nhưng nếu mua phải những quả chín ép sẽ rất nhanh hỏng. Không những thế, mâm ngũ quả thường được để sau 30 Tết vài ngày vì thế bạn không nên mua và bày mâm ngũ quả quá sớm trước Tết.
- Dù có nhiều loại quả nhưng vẫn nên bày trí quả Phật thủ.
- Không nên rửa quả trước khi đặt lên ban thờ vì sẽ làm quả sớm bị thối hoặc héo ở những chỗ còn đọng nước. Nếu bị như vậy, bạn có thể dùng khăn giấy ẩm lau là được.
- Bày hoa quả giả lên mâm ngũ quả. Theo quan niệm tâm linh của người Việt, việc bày hoa quả giả trên bàn thờ trong những ngày này vừa không tôn trọng thần linh, gia tiên, vừa không có lợi cho phong thủy. Hoa Tết và trái cây là thứ không thể thiếu của Tết truyền thống dân tộc.
Tuy mỗi miền có sự khác biệt về văn hóa, song việc bày biện mâm ngũ quả ngày Tết luôn là một nét văn hóa đặc sắc. Phong tục này thể hiện lời cầu chúc cho một năm mới ấm no, hạnh phúc. Hy vọng chia sẻ trên của List.com.vn sẽ giải đáp tất cả những thắc mắc liên quan đến mâm ngũ quả ngày Tết và giúp bạn tìm được cách bày những mâm ngũ quả đẹp nhất với gia đình mình. Chúc bạn có một cái Tết 2020 tràn đầy tiếng cười.
Tuyến Đinh tổng hợp