1. Sốt siêu vi là gì?
- Sốt siêu vi là bệnh thường gặp mỗi khi thời tiết giao mùa, do tình trạng nhiễm siêu vi khuẩn (virus) gây ra. Đây là căn bệnh khá phổ biến đối với trẻ em và người già do hệ miễn dịch còn yếu hoặc đã suy giảm theo thời gian.
- Nhiễm virus có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, ruột, phổi, hệ hô hấp…
- Bệnh thường kéo dài từ 7 – 10 ngày và thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên cũng không nên chủ quan vì nếu không điều trị kịp thời thì sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm.
2. Nguyên nhân sốt siêu vi
- Nguyên nhân chính là do virus. Virus có cấu trúc đơn giản và kích thước nhỏ hơn vi khuẩn rất nhiều. Có nhiều loại virus gây bệnh như: Virus Rhinovirus, Adenovirus, Coronavirus, Enterovirus, Virus cúm,…
- Lây truyền qua người bị bệnh. Một khi nhiễm bệnh thì phải sau 16 – 48 giờ mới phát bệnh hoàn toàn.
3. Triệu chứng sốt siêu vi
Các triệu chứng của sốt siêu vi đôi khi cũng có thể khiến nhiều người nhầm lẫn với các triệu chứng sốt xuất huyết. Những biểu hiện của nhiễm virus đó là:
- Mệt mỏi, cơ thể nặng nề: Trong giai đoạn đầu của bệnh, các virus xâm nhập, gây ra sự mất cân bằng nghiêm trọng. Hệ miễn dịch chưa thể nhận ra và phản ứng lại, khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, nặng nề.
- Đau nhức cơ bắp: Xuất hiện những cơn đau mỏi cơ bắp bất thường.
- Sốt cao: Sốt liên tục rồi thân nhiệt dần dần tăng lên do mức độ nhiễm càng nặng.
- Nghẹt mũi: Thường xuyên xuất hiện, gây cảm giác khó chịu.
- Ho và chảy nước mũi: Bệnh nhân bị ho và chảy nước mũi thường xuyên khi nhiễm virus sốt siêu vi.
- Nổi mẩn đỏ trên da: Gần giống như các bệnh nhiễm và dị ứng.
4. Cách điều trị sốt siêu vi
4.1. Chẩn đoán sốt siêu vi
Bạn được chỉ định làm xét nghiệm máu để loại bỏ nghi ngờ các tình trạng khác như sốt xuất huyết, sốt rét, chikungunya, thương hàn,… Ngoài ra còn giúp xác định được bạn sốt siêu vi là do virus hay vi khuẩn.
4.2. Cách điều trị
- Nên nghỉ ngơi đầy đủ và ăn thức ăn ấm nhẹ như súp và cháo cho đến khi bạn khỏe hơn. Ngoài ra, muốn nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật nên tăng cường ăn thêm các loại hoa quả chứa nhiều vitamin C như: cam, bưởi, quýt….
- Sử dụng một số loại thuốc giúp tiêu diệt bất kỳ trường hợp nhiễm trùng cơ hội hoặc thứ phát nào bạn có thể mắc phải khi bị bệnh.
- Nếu thân nhiệt tăng quá cao lên đến 40 độ thì ngoài việc sử dụng thuốc hạ sốt thì nên kết hợp sử dụng nước ấm để chườm.
- Bệnh nhân uống thêm nhiều nước, uống nước oresol để cơ thể được cân bằng ở trạng thái bình thường.
- Thường xuyên tắm rửa và vệ sinh sạch sẽ để phòng chống bội nhiễm. Cần kết hợp với nước muối sinh lý để nhỏ mắt, nhỏ mũi, súc miệng cho sạch.
4.3. Cách hạ sốt siêu vi
4.3.1. Uống nhiều nước
Nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn, thì dẫn đến tình trạng mất nước. Do đó, bạn cần cố gắng uống càng nhiều nước càng tốt khi bị sốt siêu vi.
Ngoài nước lọc, bạn nên bổ sung một số loại nước cho cơ thể như:
- Nước ép trái cây.
- Nước uống thể thao.
- Nước dùng (trong các món canh).
- Súp.
- Trà decaf (trà được khử caffeine).
4.3.2. Nghỉ ngơi nhiều hơn
- Sốt siêu vi là khi cơ thể đang nỗ lực để chống lại nhiễm trùng. Do đó, bạn cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Bạn nên ngủ đủ 8 – 10 tiếng mỗi ngày hoặc cố gắng nghỉ ngơi nhiều hơn.
- Bạn nên tạm ngưng thói quen tập thể dục trong thời gian bị bệnh. Hoạt động gắng sức có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng thêm, khiến việc điều trị sốt siêu vi không có hiệu quả.
4.3.3. Sử dụng những thuốc hạ sốt không kê đơn
Các loại thuốc này giúp bạn giảm bớt những triệu chứng gây khó chịu. Tuy nhiên, bạn cần phải nghỉ ngơi ngay cả khi đã cảm thấy tốt hơn sau vài giờ uống thuốc.
Một số thuốc hạ sốt không kê đơn phổ biến bao gồm:
- Paracetamol.
- Ibuprofen.
- Aspirin.
- Naproxen.
Lưu ý:
- Aspirin không nên sử dụng cho trẻ em dưới 18 tuổi. Vì thuốc làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye – một tình trạng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm.
- Đừng dùng liều lớn hơn vì bạn có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn như: Chảy máu dạ dày, tổn thương gan hoặc có vấn đề về thận.
4.3.4. Làm mát cơ thể
Bạn nên làm mát ở mức độ vừa phải, nếu thấy cơ thể run lên thì nên dừng lại. Bạn nên làm mát cơ thể bằng cách:
- Ngâm hoặc lau mình với nước ấm sẽ giúp hạ bớt nhiệt độ cơ thể. Không nên ngâm mình trong nước lạnh vì có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn thay vì hạ nhiệt.
- Mặc quần áo thoáng mát.
- Cố gắng không sử dụng quá nhiều chăn.
- Uống nhiều nước mát.
- Sử dụng quạt để lưu thông không khí.
5. Sốt siêu vi ở trẻ em
5.1. Triệu chứng
- Sốt, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao đến 39 – 40 độ C. Sốt có thể liên tục hoặc ngắt quãng.
- Ho, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi.
- Người mệt mỏi, chán ăn.
- Trẻ bị chảy nước mắt, mắt đỏ, có ghèn và nhạy cảm với ánh sáng.
- Trẻ bị đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy.
- Trẻ có thể bị chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da,…
- Trẻ có thể bị nổi ban hoặc bọng nước.
- Trẻ nhỏ thường sẽ quấy khóc nhiều, bỏ bú.
- Trẻ lớn thường kêu đau đầu, đau ở hai bên thái dương và sau gáy.
5.2. Cách chăm sóc
- Cần kiểm tra nhiệt độ cơ thể trẻ thường xuyên. Nếu sốt trên 38 độ C, sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, như Paracetamol với liều 10 – 15mg/kg/lần, các lần cách nhau từ 4 – 6h.
- Cho trẻ nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh, thoáng mát.
- Mặc quần áo thoáng mát, dễ thấm mồ hôi.
- Dùng khăn ấm vắt ráo nước lau người cho trẻ, chú ý tới vùng nách, bẹn.
- Cho trẻ uống nhiều nước và bù điện giải bằng Oresol, uống thay nước trong ngày.
- Ăn các loại thức ăn dạng lỏng, dễ nuốt và dễ tiêu hóa như súp, cháo. Nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Cho trẻ uống thêm các loại nước ép hoa quả có chứa nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
- Không sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị sốt siêu vi nếu như không có bội nhiễm.
- Khi trẻ có bất kỳ biểu hiện bất thường nào cần cho trẻ tới các cơ sở y tế thăm khám và điều trị, tránh để dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
6. Các biện pháp phòng ngừa
- Có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, khoa học để nâng cao thể trạng và sức đề kháng cho cơ thể.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa cũng như môi trường xung quanh cho sạch sẽ, thoáng mát, ngăn chặn sự xâm nhập và phát triển của các tác nhân gây bệnh.
- Cần phải giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Với trẻ em cần hạn chế cho trẻ đưa đồ chơi vào miệng.
- Mọi người cần được tiêm phòng đầy đủ.
- Không nên tiếp xúc với người đang bệnh.
- Không nên đến những nơi đông người khi đang có dịch bệnh lưu hành.
- Khi hắt hơi, ho, sổ mũi mọi người nên dùng khăn giấy hoặc dùng tay che miệng lại.
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ.
- Không dầm mưa hay chơi ngoài nắng hay đi bơi quá nhiều, tắm lâu.
7. Những câu hỏi thường gặp
7.1. Sốt siêu vi ở người lớn kéo dài mấy ngày?
Hầu hết các trường hợp người lớn bị sốt siêu vi đều không quá nguy hiểm và có thể tự hết trong vòng 5 – 7 ngày. Cao nhất là 10 ngày, nếu được xử lý và chăm sóc tốt.
7.2. Sốt siêu vi có lây không?
- Bệnh có thể lây từ người sang người. Vì vậy cần hạn chế để người bệnh tiếp xúc với trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Hoặc cho bé nghỉ học và không đến những nơi đông người để không làm lây lan bệnh cho người khác.
- Sốt siêu vi chủ yếu lây qua đường hô hấp và đường tiêu hóa, thông qua các hoạt động như giao tiếp, ăn uống, tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hay dịch mũi của bệnh nhân. Vius có thể lây lan và bùng phát thành dịch một cách nhanh chóng.
- Những vật dụng ở nơi công cộng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, hay cầm nắm đồ chơi cũng có thể lây bệnh gián tiếp.
- Một số ít trường hợp bệnh lây truyền qua đường máu thông qua việc tiêm chích, truyền máu, quan hệ tình dục hay từ mẹ truyền cho con trong lúc sinh.
7.3. Nguy cơ mắc sốt siêu vi?
- Tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm virus.
- Đi du lịch đến khu vực có sốt siêu vi đang diễn ra.
- Sống trong khu vực đang có dịch sốt siêu vi.
- Đang làm việc với những người bệnh.
- Quan hệ tình dục không an toàn
- Dùng chung kim tiêm.
- Thường xuyên ở gần những con vật nhiễm bệnh.
- Nơi sinh sống có chuột.
7.4. Sốt siêu vi nên ăn gì?
- Cơ thể cần nổ sung nhiều nước vừa bù lượng nước và chất điện giải hao hụt thông qua hoạt động tiết mồ hôi khi thân nhiệt tăng cao. Nước oresol hay các loại nước trái cây như: Cà rốt, táo, cà chua, táo, cam,… là nguồn giàu vitamin để hệ miễn dịch chống lại bệnh tật tốt hơn.
- Chọn những thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như súp, cháo. Đặc biệt, thịt gà sẽ cung cấp nguồn dinh dưỡng và giúp cơ thể tránh mất nước và viêm nhiễm.
- Ăn các loại trái cây như: Cam, dâu tây, chanh, xoài, chuối, ….là những loại trái cây mà người bệnh nên ăn khi bị sốt siêu vi. Đây là nguồn cung cấp các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể.
- Các loại rau như: Mồng tơi, rau muống, rau cải, rau dền,… giúp hạ nhiệt cơ thể tốt. Nên chế biến các món rau ở dạng luộc hoặc nấu canh.
- Bổ sung thêm sữa chua để hỗ trợ và củng cố hệ tiêu hóa và đẩy lùi các vi khuẩn có hại ra khỏi cơ thể.
7.5. Sốt siêu vi có tắm được không?
- Theo các chuyên gia thì vẫn khuyến khích bệnh nhân tắm rửa bằng nước ấm. Điều này không chỉ có tác dụng giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ, giảm nhức mỏi cơ thể mà còn giúp giãn mạch ngoại vi, giúp giảm sốt và tránh các cơn co giật một cách hiệu quả.
- Bệnh nhân cần phải đảm bảo giữ ấm cơ thể trước, trong và sau khi tắm.
- Trước khi tắm có thể uống một ly nước ấm. Sau khi tắm, cần nhanh chóng lau khô người rồi giữ ấm bằng một bộ đồ dài, thậm chí có thể mang vớ, bao tay để cơ thể không bị nhiễm lạnh.
- Nên tắm với nước ấm trong bồn hoặc dưới vòi hoa sen. Hoặc có thể lau người bằng nước ấm.
7.6. Sốt siêu vi có gội đầu được không?
Nếu muốn gội đầu bạn cần chú ý những điều sau:
- Dùng nước ấm gội đầu.
- Gội đầu trong phòng kín gió.
- Gội đầu nhanh để cơ thể không bị ngấm nước, nhiễm lạnh.
- Sau khi gội đầu xong, người bệnh cần nhanh chóng sấy khô tóc và giữ ấm cơ thể.
Trên đây là những thông tin cơ bản về sốt siêu vi mà Chuyên mục Sức khỏe đã tổng hợp để các bạn tham khảo. Nếu bạn có bất kỳ biểu hiện nào của bệnh, bạn hãy đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời. Chúc các bạn luôn khỏe mạnh!
Chi Lê tổng hợp