Sự tích bánh chưng, bánh dày là câu chuyện truyền thuyết khá hay được các em nhỏ rất yêu thích. Ngày thơ bé chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng một lần nghe bà hay cô giáo kể cho nghe rồi phải không nè? Lại thêm một mùa Tết sắp đến. Để ôn lại kỷ niệm thời thơ ấu ngày xưa cũng như củng cố lại kiến thức chúng ta cùng nhìn lại sơ lược câu chuyện này nhé. Ôn lại một chút để còn kể cho các bé nhà mình nhé.
1. Nguồn gốc sự tích bánh chưng, bánh dày
- Vào đời vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đã dẹp xong giặc Ân, vua Hùng muốn truyền ngôi lại cho con. Nhân lễ Tiêu Vương, Vua Hùng truyền cho 20 người con rằng: “Ta muốn truyền ngôi cho kẻ nào làm ta vừa ý, cuối năm nay đem trân cam mỹ vị đến để tiến cúng tiên vương cho ta được tròn đạo hiếu thì sẽ được ta truyền ngôi”.
- Sau lời vua cha, các lang đều háo hức, chạy khắp nơi đi tìm của ngon vật lạ để dâng lên tổ tiên nhằm tiếp nối ngai vàng. Tuy nhiên, riêng chàng hoàng tử 18 – Lang Liêu là chàng hoàng tử hiền lành, đức hạnh, giàu lòng nhân từ và rất hiếu thảo vì mất mẹ từ sớm nên không ai giúp đỡ nên loay hoay hoài mà không biết làm thế nào.
- Nhưng may mắn thay, anh lại được một vị Thần mách bảo trong giấc mộng của mình. Vị Thần chỉ dạy chàng quý nhất vẫn là gạo. Vậy nên, Thần khuyên Lang Liêu làm bánh từ gạo để dâng cho vua cha. Một là bánh hình tròn tượng trưng cho Trời. Hai là bánh hình vuông tượng trưng cho Đất. Và bảo chàng dùng lá bọc ngoài, đặt nhân vào ruột bánh để tượng trưng cho sự sinh thành của cha mẹ.
- Được sự mách bảo đó, Lang Liêu nhanh chóng làm theo lời và kết quả là thuận ý vua cha vì bánh không chỉ ngon mà còn ý nghĩa. Từ đó về sau, việc gói bánh chưng, bánh dày trở thành tục lễ mỗi độ Tết đến của người Việt Nam.
2. Nguyên liệu làm bánh chưng, bánh dày
Những nguyên liệu cơ bản để làm bánh chưng:
- Gạo nếp: Loại ngon, dẻo ngọt, được đãi sạch, xóc muối, ngâm nở.
- Đỗ xanh: Đãi sạch, trộn cùng chút muối, vàng ươm, thơm ngon.
- Thịt lợn: Là thịt ba chỉ, vừa mỡ vừa nạc để nhân có cả vị béo chứ không chỉ khô bã.
- Lá dong: Lá tươi xanh, mướt mắt, được chần sơ qua nước sôi, đặt vào khuôn gói, bao quanh chiếc bánh.
- Dây lạt: Những sợi lạt dai mềm, buộc chặt chiếc bánh không để nước thấm vào khi nấu.
- Khi ăn, ăn kèm nước mắm ngon hoặc hành củ muối, dưa món chua ngọt đều rất ngon.
Bánh dày:
- Làm từ gạo nếp (có thể cho thêm sữa tươi không đường để tạo độ béo, thơm). Gạo nếp phải là loại ngon, dẻo.
- Sau khi nếp được đồ chín thì đổ ra cối giã nhuyễn. Tiếp đến, vo tròn rồi xếp vào lá dong. Chưa hết, chia thành từng cục bột nhỏ rồi nặn tròn và cuối cùng là ấn bẹp.
- Chỉ với vài bước đơn giản là bạn đã hoàn thành xong món bánh dày của chàng Lang Liêu rồi đó. Khi ăn, người ta ăn kèm với giò, chả,… để tăng độ ngon cho món ăn.
- Tuy nhiên, ngày nay người ta thường thêm nhân cho bánh dày chứ không còn là bánh dày không nhân như thời Lang Liêu nữa.
3. Ý nghĩa sự tích bánh chưng, bánh dày
3.1. Quan niệm về vũ trụ của người Việt ngày xưa
- Chắc hẳn bạn đã biết, ngày xưa, người Việt quan niệm rằng trái đất hình vuông và bầu trời hình tròn.
- Đó là lí do tại sao bánh chưng (tượng trưng cho Đất) lại có hình vuông và bánh dày (tượng trưng cho Trời) có hình tròn.
- Bánh chưng là hình khối cụ thể thuộc âm, có hình vuông, có góc cạnh, tượng trưng cho Đất. Người ta quan niệm rằng nhân đậu và thịt của bánh tượng trưng cho muôn vật trên thế giới này.
- Bánh dày là hình khối cụ thể thuộc dương, có hình tròn, không góc cạnh. Vì nó tượng trưng cho Trời nên phải màu trắng và không nhân vị giống như bánh chưng.
3.2. Bài ca về nền văn minh lúa nước
- Sự tích bánh chưng, bánh dày là lời nhắc nhở tầm quan trọng của cây lúa đối với con người.
- Hơn thế nữa, đó chính là minh chứng cho nền văn hóa lúa nước của người Việt ta. Sự đề cao, ca ngợi về thành tựu văn minh nông nghiệp ở buổi đầu sơ khai.
- Một chiếc bánh nhưng gói ghém cả một nền văn minh lúc bấy giờ.
3.3. Mang ý nghĩa biểu trưng
- Vì bánh chưng đại diện cho âm nên sẽ dành cho mẹ. Biểu tượng cho mẹ Tiên trong ngày lễ dâng cúng Giỗ Tổ Hùng Vương.
- Bánh dày đại diện cho dương tức dành cho cha. Và nếu bánh chưng là biểu tượng cho mẹ Tiên thì bánh dày tức là biểu tượng cho cha Rồng.
- Khi dùng bánh chưng, bánh dày làm quà biếu dâng lên cha mẹ thì nó cũng thể hiện được chữ hiếu của người con dành cho đấng sinh thành của mình.
3.4. Tin vào thần linh
- Bánh dày thường được dùng để tế trời, tế thần.
- Người Việt quan niệm bầu trời là nơi thần linh sinh sống. Chính vì vậy, họ dùng bánh dày để dâng lên trời nhằm cầu mong thời tiết mưa thuận gió hòa để muôn vật sinh sôi nảy nở, cho một năm ấm no, sung túc.
- Không chỉ vậy, nó còn mang ý nghĩa cho lòng biết ơn sâu sắc với trời đất đã đem đến mùa màng bội thu cho người dân lao động.
- Điều này cũng nói lên rằng, ở xã hội Việt Nam bấy giờ, người ta tin rằng Trời là Đấng khai sáng vũ trụ và là chủ tế của cả thế giới này.
3.5. Nét văn hóa, món ăn truyền thống
- Đề cao nét đẹp, xem trọng giá trị sáng tạo của nhân dân, ca ngợi truyền thống cao đẹp của dân tộc.
- Nó cũng là sự giải thích nguồn gốc cho thứ bánh truyền thống của ngày Tết cổ truyền Việt Nam.
- Đây chính là món ăn truyền thống ngày Tết tô điểm thêm sự độc đáo, ấn tượng trong mắt bạn bè quốc tế của nước ta.
- Dù đã trải qua nhiều năm tháng, nhưng tục gói bánh chưng, bánh dày vẫn còn đó, tồn tại mãi trong lòng người Việt và trong những cái Tết sum họp. (Bánh tét cũng là một loại na ná với bánh chưng).
4. Những sự tích về Tết cổ truyền
Tết cổ truyền sắp đến và kèm theo đó là những sự tích được truyền miệng cho đến ngày hôm nay. Hãy cùng tìm hiểu sơ nét về những sự tích ấy nhé.
- Sự tích ngày Tết Nguyên Đán: Câu chuyện kể về vương quốc nọ muốn tính tuổi con người. Nhà vua nghĩ ra một cách là mỗi lần hoa đào nở thì tính một tuổi. Người ta tính được mười hai lần trăng tròn rồi lại khuyết, hoa đào sẽ nở một lần. Những ngày vui ấy, sau này người ta gọi là Tết.
- Sự tích cây nêu ngày Tết: Câu chuyện xưa kia kể về việc loài quỷ chiếm hết đất nước và ức hiếp dân làng. Tuy nhiên, được sự trợ giúp của Phật thì cuối cùng loài quỷ đã bị đuổi đi nhờ chiếc áo cà sa treo trên cây tre.
- Sự tích hoa mai vàng: Câu chuyện kể về cô bé tốt bụng giúp dân làng diệt yêu quái. Tuy nhiên không may cô đã bị quấn chết. Khi được trời thương cho sống lại 9 ngày mỗi năm để ở cùng ba mẹ thì cô thường trở về trong chiếc áo màu vàng. Và khi cả gia đình đều mất, cô hóa thành cây hoa màu vàng là hoa mai mà ta thấy ngày nay.
- Sự tích hoa đào: Cây đào to lớn là nơi có 2 vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ. Các vị diệt trừ ma quái, giúp người dân có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Khiếp sợ trước quyền năng của 2 vị thần, lũ yêu ma sợ luôn cây đào. Vì vậy để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ. Đây cũng là hoa Tết được nhiều người yêu thích.
- Ngoài ra còn có nhiều sự tích khác như: Táo quân. bao lì xì,…
5. Những bài thơ về bánh chưng, bánh dày hay
5.1. Bài thơ của Lệ Hoa Trang
“Khi xưa ở nước Văn Lang,
Đời vua thứ sáu có chàng Lang Liêu.
Vua ra ý muốn một điều,
Là thay đổi chủ trị điều nước non.
Bèn ra quyết định chọn con,
Thi nhau nấu món ăn ngon tuyệt vời.
Cao sang mĩ vị trên đời,
Làm sao có thể bằng trời tính cho.
Ấy nhưng mà lại hay ho,
Chàng Lang Liêu được giúp cho còn gì.
Trong khi suy nghĩ làm gì,
Có ông tiên cụ nhắc ghi vài điều.
Bình thường mà ý nghĩa nhiều,
Bánh chưng ngày tết làm nhiều người mê.
Bánh dày cũng chẳng ai chê,
Bánh thơm gạo nếp tràn trề đậu xanh.
Tượng trưng mặt đất màu xanh,
Bánh chưng gói với lá xanh thành hình.
Lấy xôi giã nặn tròn hình,
Bánh dày là bánh tượng hình trời cao.
Món ăn quý quá làm sao,
Lang Liêu lên được chức cao vô cùng.
Sau này xuân đến khắp vùng,
Người ta lại thấy bánh chưng bánh dày.”
5.2. Bài thơ của Bằng Việt về sự tích bánh chưng, bánh dày
“Thuở tám tuổi trái đào
Tôi thức ngủ giữa rất nhiều truyền thuyết
Truyền thuyết sao mà đẹp:
Trời đất vuông tròn như bánh dày,bánh chưng,
Thế giới mỡ màu, đậm đà như nhân đỗ!
Bà tôi chỉ thích việc đời có hậu
Suốt đời cả tin chuyện thuở Lang Liêu.
Tôi vẫn nghe
Không nỡ lòng cãi lại
Bà còn thọ bao năm, thôi chớ để bà buồn!
Nhưng năm lại chồng năm
Sống gắn bó cùng bà
Có nhiều lúc tôi muốn tin là thật
Muốn tắc lưỡi cho việc đời đơn giản!
Tự ru mình bằng quan điểm ấu thơ
Ưa bám níu mãi niềm tin nguyên thuỷ.
Tôi mất nửa đời để thoát ra truyền thuyết
Tấm bánh mang nhiều suy tưởng hơn xưa!”
Sự tích bánh chưng, bánh dày đã vẽ nên một bức tranh tuyệt vời cho ngày Tết cổ truyền của người Việt ta. Những câu chuyện đơn giản nhưng đầy nhân văn. Không chỉ giải thích về nguồn gốc món ăn truyền thống mà còn dạy cho con người ta bao điều hay, lẽ phải. Chuyên mục Giải trí chúc bạn và gia đình năm mới an khang thịnh vượng nhé.
Hồng Ân tổng hợp