1. Nguyên liệu làm chân gà ngâm sả ớt
- Chân gà: 20 cái.
- Sả: 10 nhánh.
- Gừng: 1 củ to.
- Ớt tươi.
- Tắc (quất): 5,6 quả.
- 2 củ tỏi.
- Muối hạt, nước mắm, đường.
- Rượu trắng, lá chanh, hạt tiêu đen.
- Dấm gạo: 5, 6 muỗng.
2. Các bước thực hiện
2.1. Sơ chế chân gà để làm chân gà ngâm sả ớt
- Chân gà cắt hết phần móng, lột da ngoài.
- Đem chân gà rửa lại trong chậu nước có hòa muối hạt.
- Bạn có thể chặt đôi hay giữ nguyên tùy ý.
- Xoa muối rửa chân gà lại lần nữa cho sạch.
2.2. Sơ chế các nguyên liệu khác
- Sả bóc bỏ phần bẹ bên ngoài, rửa sạch, cắt làm đôi. Phần thân dưới đập dập, băm nhỏ.
- Phần thân trên ngọn thì dùng dao bổ dọc, xé thành sợi.
- Ớt tươi rửa sạch. 2/3 số ớt thái lát.
- Tắc (quất) ngâm qua nước muối loãng, rửa sạch, để ráo nước. Xắt thành từng lát tròn.
- hông nên thái miếng tắc quá mỏng vì khi ngâm, miếng tắc dễ bị nát.
- Tỏi khô bóc vỏ, có thể đập dập, để nguyên tép hay thái lát.
- Gừng nạo vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng.
- Lá chanh rửa sạch, xắt nhỏ.
2.3. Luộc chân gà
- Đun sôi nước với ít lát gừng, ít muối hạt, 1 thìa rượu trắng và vài ba nhánh sả vào cùng để khử mùi hôi của chân gà.
- Khi nước sôi, thả chân gà vào. Không được đậy vung.
- Chân gà ngập trong nước để gà chín đều, không bị khô và không đều màu.
- Luộc trong khoảng 2-3 phút. Không nên luộc lâu sẽ làm chân gà nứt lớp da ngoài, để lộ phần xương bên trong.
2.4. Rửa lại chân gà đã chín để ngâm chân gà sả ớt
- Vớt chân gà khỏi nước sôi. Cho ngay vào tô nước lọc nguội có hòa sẵn chút muối hạt và đá lạnh. Muối hạt làm gà có màu trong đẹp, đá lạnh tạo độ giòn cho chân gà.
- Rửa kỹ lại những cặn bẩn còn dính vào các kẽ của chân gà.
- Sau đó rửa lại bằng nước đun sôi đã nguội và để ráo nước.
- Cho vào túi bọc thực phẩm, để ngăn mát tủ lạnh làm chân gà se lại, tăng độ giòn.
2.5. Chế biến nước mắm sả, tắc, ớt
Hương vị của nước mắm ngâm quyết định đến chất lượng và độ ngon của món chân gà ngâm sả ớt này. Nếu không cẩn thận sẽ xảy ra tình trạng món ăn có hương vị không chuẩn, bị nhớt, nước ngâm úa màu và rất nhanh hỏng. Bạn cần thực hiện những bước sau:
- Đun sôi khoảng 1 lít nước. Khi nước sôi cho thêm 6 thìa đường, 6 thìa nước mắm, 5 muỗng dấm gạo, 1 muỗng muối vào quấy đều.
- Vớt bỏ lớp bọt để nước ngâm chân gà được sạch trong. Để hỗn hợp nước mắm này sôi khoảng 1 phút thì tắt bếp. Để nguội.
- Sau khi đun sôi nước mắm đường, dấm thì cho thêm sả, ớt, tắc vào quấy đều, để nguội.
2.6. Làm nước sốt chấm chân gà ngâm sả ớt
Nước sốt chấm kèm chân gà sẽ làm tăng vị ngon của món ăn của bạn. Cách làm nước sốt đơn giản như sau:
- Tắc rửa sạch rồi vắt khoảng 4-5 quả vào 1 cái bát, nhớ bỏ hạt khỏi đắng.
- Vỏ quất xắt nhỏ cho vào cùng ớt tỏi đã băm nhỏ.
- Cho thêm 2 thìa đường, 1/2 thìa hạt tiêu, 4 thìa bột canh, 1 thìa sữa đặc vào và quấy đều.
2.7. Ngâm chân gà với các nguyên liệu và nước mắm
- Bỏ chân gà ra khỏi tủ lạnh và cho vào hộp (lọ). Xếp sả, ớt, quất lên trên.
- Rưới nước mắm hỗn hợp lên chân gà.
- Rắc thêm ít hạt tiêu đen.
- Đậy nắp hộp và cho vào ngăn mát tủ lạnh thì hôm sau có thể thưởng thức được rồi.
- Trước khi ăn có thể cho thêm ít lá chanh thái chỉ cho thơm.
Yêu cầu về thành phẩm:
Hình thức, màu sắc
- Chân gà có màu trắng hồng tươi tắn, nước ngâm có màu nâu trong và bóng.
- Tắc, sả, ớt… vẫn giữ được nguyên màu như ban đầu, xen lẫn vào nhau trông vô cùng đẹp mắt.
Hương vị
- Có mùi thơm đặc trưng của nước mắm quyện với sả, tắc, chút cay nồng ấm áp của gừng, tỏi, hạt tiêu và ớt.
- Chân gà ăn giòn sần sật, vị cực kỳ đậm đà.
3. Mẹo hay khi thực hiện món chân gà sả ớt
- Bạn nên ngâm chân gà sả ớt trong lọ thủy tinh. Điều này giúp món ăn giữ được lâu và đẹp mắt hơn.
- Diện tích lọ không nên quá bé và cũng không nên quá to, lựa chọn lọ phù hợp để xếp chân gà vừa vặn nhất.
- Trước khi làm, rửa sạch lọ ngâm, tráng qua nước sôi nóng và lau thật khô để bảo quản món ăn.
- Cần xếp các nguyên liệu như sả, ớt, tỏi… xen kẽ. Không xếp tất cả các nguyên liệu dồn lên trên cùng.
- Bạn phải đợi nước mắm thật nguội, mới đổ vào lọ ngâm. Nếu nước mắm ngâm còn nóng vào lọ thì món chân gà ngâm sả tắc sẽ bị nổi váng, nhớt và nhanh hỏng.
- Nước mắm phải ngập chân gà và các nguyên liệu để món ăn thấm đều gia vị, ngon và không bị khô cũng như úa màu.
- Cần bỏ lát ở đầu và cuối quả tắc để tránh bị đắng. Không được cho tắc (quất) vào bước nấu nước mắm ngâm sẽ khiến cho nước ngâm bị đắng, lát tắc sẽ bị nhũn, nát.
- Lá chanh chỉ nên cho vào khi món ăn đã hoàn thành để tăng vị bùi thơm cho món chân gà ngâm sả ớt.
- Có thể sử dụng món này trong 4 – 5 ngày mà vẫn giữ được vị ngon. Lưu ý là khi lấy chân gà thì các dụng cụ đó phải sạch và khô. Nếu dính chút nước lạnh hay dầu mỡ thì món chân gà ngâm sả tắc sẽ bị nổi váng và nhanh hỏng.
4. Lưu ý khi thưởng thức món ăn
Tránh mua các sản phẩm chân gà không rõ nguồn gốc có thể đã để lâu, chứa chất độc hại cho sức khỏe. Đôi khi nơi sản xuất sẽ dùng các loại chân gà bảo quản cả năm sau đó về rửa, ngâm axit, tẩm thêm mùi vị ngọt, chua…
Khi lựa chọn chân gà nên chọn những chân có màu trắng hồng tự nhiên. Không có những đốm màu xuất hiện bất thường, sờ vào không có cảm nhớt. Nếu là chân gà sạch thì bốn ngón sẽ cong gập hẳn vào, khi nắm hay bóp sẽ phồng thịt ra.
Nhận biết chân gà bị bơm nước bằng các dấu hiệu như: Ngón chân tròn, mập hơn, kích thước cũng rất đều, không có nếp nhăn ở da. Nên cầm và nắn thử nếu thấy mềm, nhũn, căng phồng bất thường ở đầu ngón chân thì chắc chắn chân gà đã bị tiêm nước.
Như vậy chỉ với 7 bước thực hiện đơn giản, bạn đã có ngay cho mình món chân gà ngâm sả ớt thơm ngon đúng vị. Chỉ cần bạn áp dụng các bước hướng dẫn ở trên và lưu ý những vấn đề khi thực hiện thì bạn sẽ thành công thôi. Bắt tay vào làm món ngon hấp dẫn này ngay đi nào. Chúc bạn thành công ngay từ lần thử đầu tiên nhé.
Chi Lê tổng hợp